Tham vọng “Con đường Tơ lụa mới” ở cố đô Thái Lan: Tại sao dự án tàu cao tốc Thái-Trung liên tục chậm tiến độ?

Với những di tích nhuốm màu thời gian và những ngôi chùa đẹp như tranh vẽ, thành phố cổ Ayutthaya – Di sản Thế giới được UNESCO công nhận – là một cảnh tượng ngoạn mục đáng để chiêm ngưỡng.

Nhiều thế kỷ trước, nơi đây từng chứng kiến một đế chế hùng mạnh, là một trong những đô thị lớn nhất thế giới, được bao bọc bởi 3 con sông, thông ra biển làm cho vương quốc Thái Lan trở thành một trung tâm ngoại thương chiến lược. Ngày nay, di sản này đang dần “hồi sinh”: một con đường tơ lụa mới đang hình thành.

Kế hoạch xây tuyến đường tàu cao tốc để nối Thái Lan và Trung Quốc – một mạng lưới trị giá 12 tỷ USD sẽ không chỉ kết nối các vùng của Thái Lan mà còn được sử dụng như một tuyến đường sắt trong ASEAN, một siêu dự án nối Trung Quốc, cắt qua Lào, Thái Lan và Malaysia đến các cảng nhộn nhịp của Singapore.

Tham vọng Con đường Tơ lụa mới ở cố đô Thái Lan: Tại sao dự án tàu cao tốc Thái-Trung liên tục chậm tiến độ? - Ảnh 1.

Theo CGTN, trong hơn 100 năm qua, hệ thống đường sắt thuộc sở hữu nhà nước của Thái Lan đã vận chuyển khách du lịch, công dân và hàng hóa trên khắp đất nước. Hầu hết các đường ray đều cũ và lạc hậu trong khi tàu chỉ chạy với vận tốc 40km/h.

Đường sắt cao tốc từ lâu đã là một giấc mơ đối với người dân Thái Lan, và với mạng lưới rộng khắp hiện tại của đất nước, nó mang đến cơ hội cho người dân và nền kinh tế trở lại đúng hướng.

Tuy nhiên, đầu tư cho đường sắt không phải là ưu tiên hàng đầu tại nước này. Dù đề xuất về mạng lưới đường sắt đã được Quốc hội Thái Lan thông qua từ năm 2010, nhưng trong nhiều năm sau đó, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” do bất ổn chính trị. Việc ngành đường sắt liên tục thua lỗ cũng khiến các khoản đầu tư và đề xuất thường bị đình trệ hoặc giải thể.

Tình hình bắt đầu khả quan hơn vào năm 2014 với sự hợp tác của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc không đầu tư nhiều tiền vào tuyến đường sắt mới như đã thỏa thuận ban đầu, nhưng nước này vẫn tham gia vào việc cung cấp thiết bị và hệ thống.

Tham vọng Con đường Tơ lụa mới ở cố đô Thái Lan: Tại sao dự án tàu cao tốc Thái-Trung liên tục chậm tiến độ? - Ảnh 2.

Được biết, sáu đoàn tàu Fuxing Hao CR300 với tám toa mỗi tàu sẽ chạy trong giai đoạn đầu tiên của tuyến đường trên ba loại đường ray khác nhau: trên mặt đất, trên cao và dưới đường hầm. Từ đây, nó sẽ kết nối với tuyến đường sắt cao tốc mới được xây dựng của Lào đến Trung Quốc.

Tuyến đường sắt cao tốc dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028 và đây có thể là điểm khởi đầu cho nhiều kết nối hơn nữa trên khắp Đông Nam Á. Các phần mở rộng có thể đến Chiang Mai, Rayong và Hua Hin và có khả năng đến Malaysia và Campuchia.

Khó khăn khi xây dựng

Về mặt lý thuyết, đó là viễn cảnh khả thi. Nhưng ở ngoài thực địa, mọi thứ không dễ dàng như vậy.

Theo chuyên trang về xây dựng B1M, đường sắt cao tốc hoạt động tốt nhất khi chạy trên một đường thẳng bằng phẳng. Vì vậy, tuyến đường cần được xây trên mặt đất không có cây cối, nước hoặc nhà cửa.

Đây là thách thức lớn nhất đối với các kỹ sư. Họ sẽ phải vượt qua hầu hết mọi loại địa hình để xây các đường hầm, cầu vượt, cầu cạn và rất nhiều công trình phụ trợ dọc theo tuyến đường.

Tham vọng Con đường Tơ lụa mới ở cố đô Thái Lan: Tại sao dự án tàu cao tốc Thái-Trung liên tục chậm tiến độ? - Ảnh 3.

Đoạn tuyến đề xuất từ Bangkok đến Chiang Mai thể hiện rõ nhất những thách thức khi tuyến đi qua một đầm lầy và hồ lớn. Trước khi bắt đầu xây dựng, dự án cần phải có nghiên cứu đánh giá môi trường để đảm bảo sinh tồn cho các loài chim địa phương. Nhưng động vật hoang dã không phải là cộng đồng duy nhất bị ảnh hưởng.

Trong tuyến đường kết nối Nakhon Ratchasima với Nong Khai, khoảng 700 hộ gia đình sẽ phải chuyển đến khu nhà ở của chính phủ để nhường chỗ cho các tuyến đường sắt cao tốc mới.

Tất cả những khoản này cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và sự phối hợp để hoàn thành. Giai đoạn đầu tiên, được chia thành 14 hợp đồng, bị chậm tiến độ với chỉ 15% hoàn thành vào cuối năm 2022.

Bên cạnh những thách thức về môi trường thì đại dịch Covid-19, quá trình giải phóng mặt bằng và di dời các đường dây tiện ích công cộng xung quanh cũng là yếu tố gây chậm trễ cho dự án. Dù giai đoạn một được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2026, nhưng có khả năng cao đây là mục tiêu xa vời.

Cơ hội lớn cho khu vực

Khi việc xây dựng Đường sắt Trung Quốc-Lào kết thúc vào năm 2021, Thái Lan khẳng định sẽ tăng số lượng các chuyến tàu chở hàng với Lào và thúc đẩy việc xây dựng Đường sắt Trung Quốc-Thái Lan. Theo China Daily, giai đoạn hai sẽ bao gồm 356 km từ Nakhon Ratchasima đến Nong Khai, với khoản đầu tư khoảng 8,4 tỷ euro.

Được biết, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào – được khai trương vào tháng 12/2021 – đã mang lại lợi ích cho Thái Lan. Theo ước tính của KResearch, tuyến đường sắt này đã mở ra một tuyến đường vận chuyển mới giúp cắt giảm khoảng 30% chi phí vận chuyển đường bộ và tiết kiệm thời gian vận chuyển khoảng 50%.

Tổng khối lượng thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc thông qua tuyến đường này đã đạt 11 tỷ baht Thái Lan (307 triệu USD), chiếm 5,3% tổng thương mại xuyên biên giới giữa Thái Lan và Trung Quốc, dữ liệu từ KResearch cho thấy.

Các sản phẩm của Trung Quốc trị giá 9,4 tỷ baht Thái Lan, bao gồm phân bón, ô tô và thiết bị y tế đã vào thị trường Thái Lan trong khi hàng xuất khẩu của Thái Lan trị giá 1,5 tỷ baht, bao gồm trái cây, các sản phẩm máy tính và điện tử đến Trung Quốc.

Khi tuyến tàu cao tốc Thái Lan hoàn thành, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích về vận tải và giao thương hơn nữa cho chính Thái Lan và các nước trong khu vực. Cả Trung Quốc và Thái Lan đều đang đặt cược lớn vào tương lai của đường sắt cao tốc, và nếu hai nước có thể sớm hoàn thành dự án này, Bangkok sẽ trở thành trung tâm trung chuyển lớn tiếp theo của Đông Nam Á.

Nhiều người Trung Quốc bỏ việc văn phòng để bán hàng rong: Kiếm gần 70 triệu/tháng, không có ‘deadline’ cũng chẳng có sếp

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*