Nhà hàng Huber’s Butchery nằm ở Đồi Dempsey, chỉ đủ lượng thịt nuôi cấy để chế biến 6 suất ăn như salad thịt gà nhân tạo hay xiên que nướng và chỉ phục vụ vào ngày thứ 5 hàng tuần.
Hai năm sau khi Singapore cho phép nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm để phục vụ con người, loại thịt nhân tạo này vẫn chưa được sản xuất hàng loạt, do chi phí sản xuất cao và gặp nhiều thách thức khi tìm cách đáp ứng nhu cầu protein thay thế mà không gây hại cho động vật hay môi trường.
Tính đến năm 2022, Singapore đã thu hút khoảng 30 công ty nghiên cứu về protein thay thế trong nỗ lực cải thiện an ninh lương thực. Quốc đảo nhập khẩu 90% thực phẩm và muốn giảm tỷ lệ này còn 70% vào năm 2030.
Cho tới nay, món thịt gà của Eat Just, công ty khởi nghiệp của Mỹ tại Singapore, là sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm duy nhất bày bán ngoài thị trường.
Didier Toubia, giám đốc điều hành trang trại Aleph của Israel, nơi sản xuất thịt bò bít tết nhân tạo, cho hay các rào cản về công nghệ, quy định và quy mô sản xuất với thịt nuôi cấy rất lớn so với thịt có nguồn gốc từ thực vật.
Thịt nuôi cấy được phát triển từ mẫu tế bào của gia súc gia cầm, sau đó được cung cấp dinh dưỡng và nuôi trong những bình thép khổng lồ được gọi là lò phản ứng sinh học, cuối cùng được chế biến thành thực phẩm có vẻ ngoài và hương vị như thịt thật.
“Tôi nghĩ sẽ không có nhiều công ty thành công trên thị trường. Đây là yếu tố ngăn cản quá trình thương mại hóa các sản phẩm thịt nuôi cấy”, Toubia nói.
Tiến bộ trong sản xuất giúp một số công ty giảm 90% chi phí nuôi cấy thịt so với thời điểm mới bắt đầu nghiên cứu, theo các giám đốc điều hành trong ngành. Eat Just và Avant Meats đã giải mã được tế bào thay thế huyết thanh bào thai bò và chiết xuất được từ máu của bò trong quá trình giết mổ, cũng như các chất dinh dưỡng để nuôi cấy thịt.
Eat Just đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong cắt giảm chi phí mỗi miếng ức gà so với mức giá 50 USD trước đây, nhưng không nói rõ con số cụ thể.
“Nó vẫn quá cao. Chúng tôi bị lỗ mỗi lần có khách ăn thịt gà nuôi cấy của mình”, Josh Tetrick, CEO công ty Eat Just, nói.
Nhà hàng Huber’s bán mỗi suất ăn làm từ gà nuôi cấy với giá 14 USD. Chi phí vẫn cao tới mức Eat Just cho hay tới cuối thập kỷ này mới có lợi nhuận, muộn hơn 9 năm so với dự kiến.
Công ty Avant Meats trụ sở tại Hong Kong lạc quan hơn Eat Just, với tham vọng tạo ra bong bóng cá, loại thực phẩm cao cấp hơn. Bong bóng cá là dạ dày cá, món ăn được ưa chuộng ở Trung Quốc và giá có thể lên tới hàng nghìn USD một kg tùy loại.
Công ty đang chờ Singapore phê duyệt sản phẩm và đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy thí điểm để bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2024. Carrie Chan, giám đốc điều hành Avant Meats, cho biết công ty có thể sản xuất bong bóng cá nuôi cấy với giá tương đương bong bóng cá bình thường, đồng thời hy vọng có thể bán giá tương đương sản phẩm tự nhiên cao cấp.
Eat Just lên kế hoạch mở nhà máy sản xuất thịt nuôi cấy lớn nhất châu Á tại Singapore vào cuối năm nay để sản xuất hàng nghìn kg thịt. Những công ty khác đang bắt kịp thị trường mà McKinsey ước tính tăng lên 25 tỷ USD năm 2030.
Esco Aster, công ty khởi nghiệp Singapore, sở hữu lò phản ứng sinh học nhỏ 2.000 lít, là nhà máy duy nhất được phê duyệt ở Singapore và đang sản xuất thịt gà của Eat Just.
Công ty cho hay đang chuẩn bị huy động 60 triệu USD để xây dựng lò phản ứng sinh học công suất 60.000 lít. Xiangliang Lin, giám đốc Esco, cho biết đang hợp tác với những công ty khởi nghiệp khác để sản xuất thịt lợn và thịt bò nuôi cấy.
Theo nhóm nghiên cứu Viện Thực phẩm Hữu ích, lĩnh vực protein thay thế đang đối mặt khả năng huy động vốn khó khăn do nhu cầu đối với thịt có nguồn gốc từ thực vật giảm mạnh, khả năng sinh lời thấp, kinh tế suy thoái.
Tuy nhiên, Gautam Godhwani, đối tác quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm Good Startup, nhận định những công ty thành công sẽ tác động lớn tới hệ thống thực phẩm.
“Tôi tin rằng chúng tôi đang tạo ra một ngành kinh doanh cực kỳ lớn”, Godhwani nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi