Vào khoảng đầu thế kỷ 20, Mỹ lâm vào tình trạng thiếu thịt rẻ tiền. “Doanh nghiệp bán buôn thịt đổ lỗi cho giá ngũ cốc và tình trạng thiếu gia súc. Cửa hàng thì đổ lỗi cho doanh nghiệp lớn”, Catherine McNeur, nhà sử học tại đại học bang Portland, mô tả.
Nghị sĩ bang Louisiana Robert F. Broussard cho rằng cách giải quyết vấn đề là khuyến khích nông dân chăn nuôi hà mã. Ngày 24/3/1910, Broussard đứng trước Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện trình bày chi tiết về Dự luật Hà mã của mình.
Ông tin việc nhập khẩu hà mã từ châu Phi để nuôi sẽ giúp loại bỏ những đám lục bình đang tràn ngập các tuyến đường thủy của Louisiana và Florida. Khi hà mã đạt đủ trọng lượng, nông dân có thể đưa chúng đến lò mổ, khôi phục nguồn cung cấp thịt giá rẻ cho đất nước.
“Tôi nghĩ có thể dễ dàng bổ sung thêm một triệu tấn thịt mỗi năm vào nguồn cung”, William Newton Irwin, nhà nghiên cứu tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, lúc bấy giờ nói trước Ủy ban.
Irwin là một trong ba chuyên gia được Broussard đưa đến phiên điều trần để cung cấp thông tin chuyên môn. Tạp chí Atavist viết vào năm 2013 rằng Irwin “dường như đã dành cả sự nghiệp để ủng hộ những ý tưởng vừa hợp lý vừa cực kỳ lạ lùng”. Irwin mô tả thịt hà mã có vị giống như “sự kết hợp giữa thịt lợn và thịt bò”.
Theo Broussard, nếu Dự luật Hà mã được thông qua, mọi người dân Mỹ, bất kể hoàn cảnh kinh tế, xã hội, đều sẽ có thịt trong bữa ăn hàng ngày. Dự luật nêu rõ chỉ với 250.000 USD (khoảng 8 triệu USD theo giá trị ngày nay), các vùng đất không có người ở và chưa được sử dụng của chính phủ Mỹ sẽ trở thành nơi nuôi dưỡng nguồn thịt khổng lồ.
Những người ủng hộ chiến dịch chỉ ra rằng Mỹ trước đây từng nhập khẩu hàng loạt động vật nước ngoài. Từ năm 1891 đến 1902, họ đã chào đón 1.280 con tuần lộc từ Nga để lấp vào chỗ trống, do đàn tuần lộc bản địa ở Alaska suy giảm.
Cựu tổng thống Theodore Roosevelt, cầm quyền năm 1901-1909, là một trong những người đầu tiên tỏ ra hứng thú với kế hoạch. Ông cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ Broussard về vấn đề này, nhưng vẫn còn phải xem liệu công chúng Mỹ có đồng tình hay không.
“Tất cả những gì chúng ta phải làm để tránh việc phải ăn chay là làm quen với sở thích ăn thịt hà mã, tê giác, lạc đà, linh dương châu Phi, linh dương Nam Mỹ, sơn dương, hươu cao cổ và các loài động vật châu Phi khác”, nhật báo Arizona Silver Belt viết sau khi Dự luật Hà mã được trình bày.
“Người Anh đã ăn thịt kangaroo và thích nó. Thịt ngựa là món ăn chủ yếu ở lục địa châu Âu, còn người dân Trung Mỹ ăn thịt thằn lằn. Tại sao người Mỹ không thể ăn thịt hà mã?”, tờ Evening Times của Dakota đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện có những thắc mắc riêng về đề xuất của Broussard. Chủ tịch Charles F. Scott hỏi liệu có thể thuần hóa và quản lý loài động vật có vú to lớn này hay không. Ông tự hỏi liệu chúng có thực sự ăn lục bình xâm lấn không?
Irwin và Broussard khẳng định hà mã sẽ dễ dàng được thuần hóa và chúng thích ăn lục bình. Theo Irwin, loại cây này, với tốc độ phát triển nhanh chóng, sẽ trở thành nguồn thức ăn chính cho hà mã.
Cả hai không biết những lý thuyết họ đưa ra sai lầm đến mức nào. Những con hà mã như cỗ xe tăng sẽ dễ dàng lao qua hàng rào các trang trại gia đình. Là một trong những loài động vật nguy hiểm nhất thế giới, giết chết khoảng 500 người mỗi năm, hà mã sẽ gây ra mối đe dọa lớn nếu chúng trốn thoát. Hơn nữa, thực vật thủy sinh chỉ là một thành phần rất nhỏ trong chế độ ăn của hà mã. Vào ban đêm, chúng sẽ lên khỏi mặt nước để gặm cỏ.
Jason A. Ferrell, giám đốc Trung tâm Thực vật Thủy sinh và Thực vật Xâm lấn thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp và Thực phẩm, Đại học Florida, cho biết lục bình có 95% khối lượng là nước.
“Chúng chứa quá ít dinh dưỡng. Về cơ bản, nếu hà mã ăn lục bình, chúng sẽ giảm cân”, ông nói.
Mặt khác, lượng chất thải của hà mã rất lớn và chúng có nguy cơ tạo ra mối đe dọa về sinh thái nghiêm trọng không khác gì vấn đề mà Broussard muốn giải quyết từ đầu. Chất thải của hà mã làm tăng thêm lượng dinh dưỡng cho nước, thúc đẩy tảo phát triển quá mức, đồng thời giết chết thực vật và cá bản địa.
Tuy nhiên, vào năm 1910, ngay cả một chuyên gia nông nghiệp như Irwin cũng tin rằng nuôi hà mã là giải pháp cho toàn bộ vấn đề.
Bất chấp những xôn xao do Dự luật Hà mã tạo ra, Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ vẫn không bị thuyết phục. Họ quyết định gác nó sang một bên,
Broussard vẫn ôm hy vọng giới thiệu lại dự luật cho Ủy ban, nhưng những tham vọng chính trị khác và Thế chiến I bùng nổ đã khiến ông bị xao lãng.
Broussard được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 1914 nhưng không thể hoàn thành nhiệm kỳ. Ông qua đời vào năm 1918 sau một thời gian dài mắc bệnh. Vào thời điểm đó, dưới áp lực chiến tranh, người dân Mỹ đã quen với việc sống thiếu những thứ xa xỉ như thịt, bơ và cà phê. Công nghệ mới cũng cho phép sản xuất nhiều thịt hơn với ít tài nguyên hơn. Kế hoạch nuôi hà mã lấy thịt đã bị lãng quên.
Vũ Hoàng (Theo Smithsonian Magazine)
Để lại một phản hồi