“Trong đầu tư chứng khoán, ai ở lại sau cùng thì đó là người chiến thắng”

Cùng pha với diễn biến lình xình của chỉ số, thanh khoản thị trường cũng ngày càng tụt dốc. Theo thống kê của Mirae Asset LM2, giá trị giao dịch trên HOSE chỉ còn khoảng 7.000 tỷ/phiên. Tính từ đầu năm, thanh khoản cũng chỉ đạt xấp xỉ bình quân 10.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với năm 2021 và năm 2022.

Nguyên nhân gì khiến thanh khoản thị trường liên tục suy giảm? Bao giờ dòng tiền quay trở lại thị trường? Trong buổi livetream mới đây, các chuyên gia phân tích Mirae Asset LM2 đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Dòng tiền èo uột vì đâu?

Để phân tích nguyên nhân đà sụt giảm của thanh khoản, chuyên gia cho rằng nhìn nhận giữa hai khía cạnh về dòng tiền khối ngoại và khối nội.

Về dòng tiền ngoại khối, ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT cho rằng chúng ta đã đi qua “mùa trăng mật” của khối ngoại. Sau thời gian “quăng lưới” mua ròng mạnh mẽ khi P/E thị trường về quanh mức 10.x lần, khối ngoại đã quay đầu bán ròng trở lại.

Bên cạnh yếu tố định giá không còn quá hấp dẫn, việc đồng USD tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại rút ròng. Lịch sử chứng minh trong thập kỳ qua, cứ mỗi khi đồng USD tăng mạnh thì nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và VN-Index có xu hướng giảm là chủ đạo. Xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp diễn đến cuối tháng 3/2023 sau cuộc họp của Fed.

Thực tế, nguyên nhân đồng USD tăng mạnh là do CPI (Mỹ) giảm giảm chậm hơn kỳ vọng và core PCE thậm chí còn tăng cao hơn tháng trước khiến Fed cần tiếp tục duy trì đà tăng lãi suất cao hơn nữa. Điều đó có thể khiến đồng USD tiếp tục tăng mạnh thêm trong thời gian tới.

Trong đầu tư chứng khoán, ai ở lại sau cùng thì đó là người chiến thắng - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, lãi suất của Fed có thể chạm tới mốc 5,5 – 5,75% vào tháng 7-9/2023 và khả năng cao sẽ không có một đợt cắt giảm nào đến hết năm nay nhằm mục tiêu ép lạm phát xuống mức thấp.

Về dòng tiền nội khối, lãi suất trong nước vẫn neo cao khiến sức hấp dẫn của các kênh tài sản khác như chứng khoán, bất động sản kém đi, dòng tiền chủ yếu chảy vào kênh tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt, thời điểm này chúng ta có nhiều tin xấu và vĩ mô biến động mạnh, thị trường bất động sản đóng băng và áp lực trái phiếu.

Điều này khiến dòng tiền khối nội tiếp tục suy yếu, thị trường đối mặt với vùng trống thông tin cuối tháng 3/2023 trước mùa ĐHCĐ và BCTC quý 1. Chuyên gia cho rằng khi nền kinh tế đang tạo đáy, thanh khoản thị trường có xu hướng cạn kiệt là điều dễ hiểu.

Nhà đầu tư nên hành động thế nào?

Chuyên gia cho rằng dòng tiền trên thị trường chỉ quay trở lại khi có những giải pháp rõ ràng, cụ thể của Chính Phủ để khôi phục nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Nghị định 08 sửa đổi mới đây cũng là những tín hiệu tích cực đem đến nhiều kỳ vọng mới. Tuy nhiên, để thanh khoản hồi phục ngay thì rất khó, đặc biệt để chứng kiến những phiên thanh khoản lên đến 56.000 tỷ trong quá khứ lại càng khó hơn.

Trong thời điểm này, chuyên gia cho rằng áp lực từ trong và ngoài đều đang gia tăng, nhiều số liệu đã biết nhưng không thể lượng hoá tác động đến thị trường. Do đó, nhà đầu tư nên cân bằng tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt ở mức 50:50 để chủ động ứng phó và tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý để tìm cơ hội với những cổ phiếu ngược dòng tăng giá trên thị trường hiện tại là khá khó.

“Chúng ta đã trải qua một năm downtrend đầy sóng gió, nên việc chờ đợi thêm nửa năm nữa chắc cũng không quá khó. Tôi từng nghe một câu rất tâm đắc đó là người nghèo thì thích bình yên, người giàu lại thích khủng hoảng để có thể nắm bắt cơ hội. Vì vậy, trong đầu tư ai ở lại sau cùng thì đó là người chiến thắng, nhưng nhà đầu tư cũng cần có sự kiên nhẫn và sức mạnh để “gồng” trước những biến động của thị trường” , ông Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*