Ngày 8/3, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam có thông báo quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023).
Đây là một tin vui được rất nhiều người mong chờ. Bởi trước đó, ngày 6/2 Trung Quốc thông báo đã mở tour du lịch quốc tế đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia châu Á nhưng không có Việt Nam.
Đánh giá về tác động của việc Trung Quốc tiến hành mở tour du lịch kể từ 15/3 tới đây, ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho rằng thông tin này có nhiều tác động tích cực. Do Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Về nhóm ngành hưởng lợi trước thông tin này, ông Nguyễn Anh Khoa chia thành hai nhóm cụ thể.
Đối với nhóm hưởng lợi trực tiếp , chuyên gia cho rằng xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu hàng không, dịch vụ hàng không là tất yếu. Trong ngắn hạn, đà tăng của nhóm này sẽ phản ánh kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dự báo sự cải thiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, về triển vọng dài hạn, ông Khoa cho rằng sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp hàng không. Đối với nhóm vận tải hành khách, việc Trung Quốc mở tour du lịch đến Việt Nam sẽ giúp cải thiện mạnh doanh thu và lợi nhuận, do đây là quốc gia có sản lượng khách quốc tế tới Việt Nam lớn nhất vào thời điểm trước Covid-19. Tuy nhiên, cần lưu ý tình hình tài chính của các doanh nghiệp này do sau 2 năm chống dịch Covid, các doanh nghiệp vận tải hàng không đều phải tiến hành tái cấu trúc tài chính cũng như thu hẹp quy mô đội bay, và việc phục hồi không phải trong một sớm một chiều.
Đối với nhóm vận tải hàng hóa, việc khách quốc tế tới nhiều hơn sẽ giúp gia tăng sản lượng vận tải hàng hóa, song môi trường lạm phát cao kết hợp với giá cước vận tải hàng khô đã về ngưỡng thấp trước dịch Covid-19 sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường không.
Đối với nhóm bán lẻ sân bay và nhóm cảng hàng không, lượng khách quốc tế tới cao hơn trong năm nay sẽ là điểm tích cực giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Theo chuyên gia, đây cũng sẽ là các nhóm doanh nghiệp phục hồi sớm nhất khi Trung Quốc mở cửa du lịch với Việt Nam.
Bên cạnh ngành hàng không, ông Khoa cũng kỳ vọng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và vận tải hành khách cũng được hưởng lợi trực tiếp khi sản lượng khách du lịch từ Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng sản lượng khách quốc tế tới Việt Nam giai đoạn trước dịch. Đồng thời, những nhóm này cũng được dự báo sẽ có sự phục hồi về doanh thu và lợi nhuận sau 2 năm chống dịch Covid-19, nhờ sản lượng khách quốc tế kỳ vọng tăng mạnh trong năm nay.
Đối với nhóm hưởng lợi gián tiếp , chuyên gia Agriseco cho rằng một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ uống, lương thực sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng lên và khách quốc tế thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khách nội địa.
Ngoài ra, thông tin trên cũng được kỳ vọng cũng sẽ tác động tích cực tới các nhóm ngành hưởng lợi gián tiếp như xuất khẩu (bao gồm thủy sản, cao su, lương thực, cảng biển – logistics,…) hay bất động sản khu công nghiệp.
Bàn thêm về diễn biến thị trường, chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện các phiên tăng giá trong biên độ trên dưới 1%, nhờ sự hỗ trợ của dòng vốn khối ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF. Các phiên gần đây, có thể thấy dòng vốn từ Hàn Quốc, châu Âu (thông qua quỹ KIM KINDEX và quỹ Xtrackers) đang gia tăng lực mua vào thị trường Việt Nam, và giúp khối ngoại quay lại xu hướng mua ròng sau gần 3 tuần bán ròng liên tục.
Trong tháng 3 này, bên cạnh 2 dòng vốn trên, nhà đầu tư cũng cần chú ý dòng vốn từ Đài Loan và Mỹ (thông qua quỹ Fubon FTSE và quỹ VanEck), với quy mô trên 6.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông thường, các quỹ này sẽ giải ngân vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thuộc nhóm VN30 hoặc VNDiamond (tùy vào chỉ số tham chiếu), do đó thị trường sẽ có diễn biến khả quan trong các phiên sắp tới.
Để lại một phản hồi