Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng

Ngân sách mà Trung Quốc sẽ chi cho các hoạt động quân sự trong năm 2023 sẽ là hơn 1,5 nghìn tỷ tệ (gần 225 tỷ USD), theo báo cáo tài chính chính phủ được công bố trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh hôm nay.

Với mức chi này, ngân sách quốc phòng Trung Quốc duy trì đà tăng trong nhiều năm liên tiếp. Năm ngoái, nước này tăng 7,1% ngân sách quốc phòng, lên mức 1,45 nghìn tỷ tệ. Năm 2021, ngân sách này là 1,36 nghìn tỷ tệ, còn một năm trước đó là 1,27 nghìn tỷ tệ.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2023 cao hơn gấp đôi mức 720 tỷ tệ được chi cho hoạt động quân sự 10 năm trước.

“Các lực lượng vũ trang cần tăng cường huấn luyện quân sự và mức độ sẵn sàng chiến đấu trên mọi phương diện, phát triển định hướng chiến lược quân sự mới, dành nhiều nguồn lực hơn cho huấn luyện trong điều kiện sát thực tế chiến đấu”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu khi đọc báo cáo công tác chính phủ tại kỳ họp quốc hội.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác chính phủ tại phiên khai mạc họp quốc hội Trung Quốc ngày 5/3. Ảnh chụp màn hình.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác chính phủ tại phiên khai mạc họp quốc hội Trung Quốc ngày 5/3. Ảnh chụp màn hình.

Thủ tướng Trung Quốc cho biết nền quốc phòng và quân đội nước này trong 5 năm qua đã đạt được nhiều thành quả và thay đổi to lớn. Ông đánh giá quân đội đã triển khai các kế hoạch hiện đại hóa “cứng rắn và linh hoạt”, hoàn thành nhiều nhiệm vụ liên quan đến biên giới, hàng hải, chống khủng bố và duy trì ổn định.

“Chúng ta đã bảo vệ triệt để các lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”, ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh nguyên tắc “Một Trung Quốc”, trong đó xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Ông Lý cho biết Trung Quốc luôn chủ trương “thống nhất trong hòa bình” với Đài Loan và thúc đẩy phát triển hòa bình giữa hai bờ eo biển, song cảnh báo Bắc Kinh sẵn sàng hành động quyết đoán để phản đối những động thái ủng hộ độc lập cho hòn đảo.

Về phương diện kinh tế, ông Lý cho biết mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến cho năm nay ở 5%, thấp hơn so với con số 5,5% từng được đặt ra cho năm 2022.

Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm lại, sau những tác động từ các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 đối với nền kinh tế, khủng hoảng thị trường bất động sản, nhu cầu nhập khẩu hàng Trung Quốc giảm trên thị trường thế giới và các vụ điều tra doanh nghiệp tư nhân.

Trong năm 2022, GDP Trung Quốc tăng 3%, không đạt mục tiêu đề ra và là một trong những mức thấp nhất trong vài thập niên qua.

Ông Lý cho biết Trung Quốc cần ưu tiên ổn định kinh tế lên hàng đầu. Chính phủ đặt mục tiêu tạo 12 triệu việc làm trong khu vực thành thị năm nay, tăng so với mục tiêu 11 triệu việc làm từng được đặt ra cho năm 2022. Thâm hụt ngân sách được kỳ vọng giới hạn ở mức 3% GDP, tăng nhẹ so với mục tiêu 2,8% trong năm ngoái.

Đối với kinh tế quốc tế, ông Lý tuyên bố chính phủ Trung Quốc sẽ chủ động tìm cách tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông nhấn mạnh Trung Quốc cần tận dụng xuất nhập khẩu làm đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được ông Lý ca ngợi là mô hình hợp tác chất lượng cao, trong đó xuất nhập khẩu hai chiều giữa Trung Quốc và những nước tham gia sáng kiến tăng mỗi năm 13,4%.

“Trung Quốc cam kết chia sẻ phát triển thông qua thảo luận và hợp tác, tuân thủ các nguyên tắc thị trường và luật pháp quốc tế, thực hiện nhiều dự án tăng cường kết nối cũng như hợp tác về năng lực công nghiệp”, ông nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường bước vào Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh dự phiên khai mạc kỳ họp quốc hội ngày 5/3. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường bước vào Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh dự phiên khai mạc kỳ họp quốc hội ngày 5/3. Ảnh: Reuters.

Đây là lần cuối ông Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác chính phủ trong một kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc với tư cách Thủ tướng, kết thúc 10 năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu chính phủ. Quốc hội Trung Quốc dự kiến bầu người thay thế ông trong kỳ họp này.

Giới quan sát nhận định người có khả năng kế nhiệm ông là cựu bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường, gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa này.

Kỳ họp lưỡng hội tại Bắc Kinh là sự kiện chính trị quan trọng hàng năm của Trung Quốc, bao gồm hai hội nghị song song là Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là Nhân đại, tương đương quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp). Phiên khai mạc kỳ họp quốc hội Trung Quốc hôm nay có gần 3.000 đại biểu tham dự.

Thanh Danh (Theo Reuters, SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*