Tự nhảy vào ‘cái bẫy’ do chính mình giăng ra: Số phận SVB đã được định đoạt từ nhiều năm trước?

Trong hội nghị Upfront Summit được tổ chức vào ngày 1/3 tại Los Angeles, CEO Greg Becker của tập đoàn SVB Financial Group, công ty mẹ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), đã có màn phát biểu vô cùng tự tin.

Ông ngồi trên chiếc ghế bành đỏ, hai chân bắt chéo, một tay chỉ lên trời, dõng dạc nói: “Chúng tôi tự hào là đối tác tài chính số một trong những thời điểm khó khăn nhất”. Ngay ngày hôm sau, SVB được vinh danh là Ngân hàng của năm tại một buổi tiệc ở London.

Nhưng chỉ một tuần sau, tất cả sụp đổ.

Trải qua hơn 44 tiếng đồng hồ “đảo điên”, vào ngày 10/3, SVB chính thức sụp đổ và bị giao lại cho Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Khách hàng lâu năm của SVB – các công ty khởi nghiệp – đã đổ xô đi rút tiền gửi.

Nhưng số phận của SVB có lẽ đã được định đoạt từ nhiều năm trước, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tạo nên cơn sốt tài chính quét qua nước Mỹ.

Trong năm 2021, tổng cộng 330 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã được rót vào các công ty khởi nghiệp, gấp đôi kỷ lục của một năm trước. Các quỹ ETF của Cathie Wood gia tăng, còn các nhà đầu tư cá nhân trên Reddit thì đối đầu với các quỹ phòng hộ.

Điều quan trọng hơn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ấn định lãi suất ở mức thấp chưa từng thấy. Họ hứa hẹn rằng sẽ giữ lãi suất ở mức đó cho đến khi chứng kiến lạm phát bền vững trên 2%.

SVB đã nhận được hàng chục tỷ USD từ các khách hàng của mình. Sau đó, ngân hàng này tự tin rằng lãi suất sẽ ổn định nên đã đổ số tiền mặt có được vào trái phiếu dài hạn.

Chính vì làm như vậy, SVB đã tự tạo ra một cái bẫy và nhảy thẳng vào đó.

CEO Becker và các nhà lãnh đạo khác của SVB sẽ phải tự vấn vì sao họ không bảo vệ ngân hàng của mình khỏi những rủi ro từ các dự án công nghệ non trẻ và môi trường lãi suất gia tăng.

Vẫn còn đó những câu hỏi chưa có lời giải về cách thức vận hành của SVB trong những tháng bấp bênh gần đây. Liệu ngân hàng có mắc sai lầm khi mải chờ đợi và thất bại trong việc huy động 2,25 tỷ USD tiền vốn trước khi công khai khoản lỗ hay không?

Vụ phá sản của SVB: Số phận đã được định đoạt từ nhiều năm trước? - Ảnh 1.

Vào thập niên 1980, thời điểm mà SVB được thành lập, hàng thập kỷ lãi suất thấp khiến một số người tin rằng lợi suất trái phiếu có thể tăng mà không làm rung chuyển nền kinh tế. Hoá ra, người tiêu dùng Mỹ vẫn rất ổn định và cơ hội việc làm vẫn dồi dào.

Chính các ngân hàng, đặc biệt là những đối tượng nhỏ nằm ngoài tầm ngắm của Fed, lại chính là những mắt xích yếu nhất. SVB là ví dụ điển hình nhất về việc Phố Wall bị “che mắt” bởi những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các nhà đầu tư không cần chờ đợi để biết ngân hàng nào sẽ phá sản tiếp theo. Chỉ số ngân hàng KBW giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Giám đốc điều hành Sarah Kunst của quỹ đầu tư mạo hiểm Cleo Capital cho biết: “SVB phải gánh chịu rất nhiều rủi ro mà các ngân hàng khác không phải đối mặt. Cuối cùng, những mối nguy ấy trở thành một phần nguyên nhân gây phá sản”.

Vụ phá sản của SVB: Số phận đã được định đoạt từ nhiều năm trước? - Ảnh 2.

Vào tháng 3/2021, SVB là một ngân hàng đáng ghen tị vì khách hàng gửi vào đây một lượng tiền mặt cực lớn.

Tổng số tiền gửi ngân hàng cao hơn 12 tháng trước đó, tăng từ 62 tỷ USD lên khoảng 124 tỷ USD. Mức tăng 100% đó vượt xa mức tăng 24% của ngân hàng JPMorgan Chase & Co. lẫn mức tăng 36,5% tại Ngân hàng First Republic, một tổ chức khác ở California.

CEO Becker trả lời phỏng vấn trên Bloomberg TV vào tháng 5/2021 rằng: “Tôi luôn tự tin rằng mình đang nắm giữ vị trí CEO ngân hàng tốt nhất thế giới”.

Khi được hỏi liệu doanh thu gần đây của ngân hàng có tăng bền vững hay không, vị CEO mỉm cười và trả lời như người có tầm nhìn xa về công nghệ: “Nền kinh tế đổi mới là môi trường tuyệt vời nhất. Và chúng tôi may mắn khi đang đến đúng nơi đúng chỗ”.

Vụ phá sản của SVB: Số phận đã được định đoạt từ nhiều năm trước? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, FDIC chỉ đảm bảo cho khoản tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống. Song, khách hàng của SVB thì có nhiều tiền hơn thế. Điều đó có nghĩa là 93% số tiền cất giữ tại SVB (tính đến ngày 31/12) không được bảo hiểm.

Trong suốt một thời gian, mức độ ảnh hưởng không có dấu hiệu đáng báo động. SVB dễ dàng vượt qua các rào cản pháp lý đánh giá tình hình tài chính của mình.

Nhưng đằng sau là những tổn thất nghiêm trọng với trái phiếu dài hạn, vốn được che chắn nhờ các quy định kế toán. SVB có khoản lỗ theo thị trường hơn 15 tỷ USD vào cuối năm 2022, gần bằng với vốn chủ sở hữu là 16,2 tỷ USD.

Sau khi ngân hàng công bố kết quả quý IV vào tháng 1/2021, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan. Một nhà phân tích của Ngân hàng Mỹ (BoA) thậm chí còn đánh giá rằng SVB đã vượt qua được áp lực cực hạn.

Nhưng rõ ràng, SVB không thể trụ được như họ nghĩ.

Vụ phá sản của SVB: Số phận đã được định đoạt từ nhiều năm trước? - Ảnh 4.

Trong cuộc họp mới đây, thang Moody đã báo một tin xấu cho SVB. Các khoản lỗ chưa thực hiện đồng nghĩa với việc SVB có nguy cơ bị hạ tín nhiệm nghiêm trọng, thậm chí là giáng hơn một cấp.

Điều đó đẩy ngân hàng này vào một tình thế khó khăn. Để củng cố bảng cân đối kế toán của mình, SVB cần giảm một lượng lớn khoản đầu tư trái phiếu bị thua lỗ để tăng tính thanh khoản. Nhưng nếu không làm gì và chờ bị hạ cấp nhiều bậc thì chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra.

SVB cùng ngân hàng cố vấn của mình là Goldman Sachs cuối cùng đã quyết định bán danh mục đầu tư và công bố huy động 2,25 tỷ USD tiền vốn. SVB vẫn bị Moody hạ xếp hạng vào ngày 8/3.

Vào thời điểm đó, các quỹ tương hỗ và quỹ phòng hộ bày tỏ sự quan tâm đến các vị thế lớn trong cổ phiếu.

Nhưng rồi họ nhận ra rằng tiền đang ồ ạt chảy ra khỏi ngân hàng. Tình trạng ngày một xấu đi vào ngày 9/3. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng khuyên các công ty nên rút tiền để đề phòng.

Vụ phá sản của SVB: Số phận đã được định đoạt từ nhiều năm trước? - Ảnh 5.

Cũng trong ngày này, SVB đã liên hệ hệ với các khách hàng lớn của mình để nhấn mạnh rằng ngân hàng có vốn hoá tốt, có bảng cân đối kế toán chất lượng, “thanh khoản dồi dào và linh hoạt”. CEO Becker còn có một cuộc họp trực tuyến kêu gọi mọi người “hãy giữ bình tĩnh”.

Nhưng họ đã không thể cứu vãn được gì nữa.

Cựu chủ tịch Daniel Cohen của công ty The Bancorp cho biết: “SVB lẽ ra phải chú ý đến những vấn đề cơ bản của ngành ngân hàng: người gửi tiền giống nhau sẽ hành động theo những cách tương tự vào cùng một thời điểm. Các chủ ngân hàng luôn đánh giá quá cao lòng trung thành của khách hàng”.

Vụ phá sản của SVB: Số phận đã được định đoạt từ nhiều năm trước? - Ảnh 6.

Theo nguồn thạo tin, một lãnh đạo của SVB đã gọi cho một công ty đối tác để trấn an “theo kịch bản” mà không đưa ra thông tin mới. Công ty đó cuối cùng đã quyết định chuyển một phần tiền của họ sang ngân hàng JPMorgan để đa dạng hóa tài sản. Giao dịch mất 2 tiếng trên trang web của SVB và vẫn hiện dòng chữ “đang xử lý”.

Chính vị khách hàng này cũng cố gắng chuyển tiếp một lượng tiền lớn hơn vào sáng 10/3, nhưng đều không thành công.

Vụ phá sản của SVB: Số phận đã được định đoạt từ nhiều năm trước? - Ảnh 7.

Sáng ngày 10/3, SVB đã sụp đổ sau vài giờ đồng hồ vật lộn. Ngân hàng từ bỏ kế hoạch huy động vốn sau khi cổ phiếu giảm hơn 60% vào phiên hôm trước. Trong thời điểm đó, các cơ quan quản lý của Mỹ đã đến văn phòng của SVB ở California.

“SVB gần như không có nhiều vốn như một ngân hàng đáng ra phải có”, cựu chủ tịch của FDIC William Isaac cho biết. Trước buổi trưa, theo giờ New York, Cục Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California đã đóng cửa SVB và chỉ định FDIC tiếp nhận ngân hàng này. Họ cho biết văn phòng trụ sở và các chi nhánh sẽ được mở cửa trở lại vào thứ Hai tuần sau.

Đến lúc đó, mục tiêu của SVB là tìm được người mua lại và hoàn tất giao dịch, ngay cả khi bị yêu cầu bán đi từng phần một.

Trong khi đó, những nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đang đứng ngồi không yên về việc liệu họ có được trả lại tiền hay không. FDIC cho biết những người gửi tiền có bảo hiểm sẽ được quyền truy cập chậm nhất là vào sáng 13/3.

Đối với những người gửi quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD, tương lai phía trước là “không xác định”.

Tham khảo: Bloomberg

Hàng chục tỷ USD ‘bốc hơi’ sau hung tin từ các ngân hàng Mỹ, báo động cơn sóng ngầm trong ngành tài chính

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*