Chắt lọc cơ hội đầu tư mùa đại hội, nhóm cổ phiếu nào “sáng cửa”?

TIN MỚI

    Mùa đại hội cổ đông năm 2023 đã chính thức bắt đầu. Đây là lúc kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ và nhà đầu tư đang theo dõi rất sát sao để đưa ra những quyết định kịp thời về đầu tư.

    Chia sẻ trong Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần do Chứng khoán MBS tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho biết nếu nhà đầu tư có khả năng quan sát, tổng hợp sẽ chọn lọc được nhiều cơ hội tại mùa đại hội cổ đông. Bởi trong đại hội sẽ nắm được nhiều thông tin liên quan đến chiến lược phát triển cũng như triển vọng của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

    Với đại diện ngành thép là Hoà Phát, ông Tuấn nhìn ra một vài điểm sáng sau cuộc họp cổ đông. Mặc dù kế hoạch kinh doanh của Hòa Phát năm 2023 khá khiêm tốn, song con số này cũng khá hợp lý khi đặt trong bối cảnh ngành thép hiện tại.

    Tuy nhiên vẫn có vài điểm sáng: (1) Dù thời gian qua Hoà Phát đã trải qua cái giai đoạn của khó khăn, nhưng vị thế của công ty vẫn được giữ vững ở vị trí hàng đầu. (2) Kiên định với mục tiêu đầu tư dự án Dung Quất giai đoạn 2.

    Mặc dù chi phí đầu tư khá lớn với khoảng 75 nghìn tỷ trong giai đoạn từ 2023-2024 và đầu 2025, song nguồn tài chính đầu tư cũng được đảm bảo. Với dự báo mức vốn vay khoảng 50% và vốn tự có là khoảng 50%, chuyên gia đánh giá rằng yếu tố này khả thi. Bên cạnh đó, giá thép đã tăng trở lại và duy trì ổn định, trong khi khi giá than cốc đã có xu hướng giảm cũng là những điểm sáng cho Hoà Phát.

    Dù vậy, chuyên gia nhấn mạnh, nhà đầu tư xác định đầu tư vào Hoà Phát thì nên có tầm nhìn dài hạn vì trong ngắn hạn vẫn còn đối mặt nhiều thách thức.

    Đối với ngành bán lẻ , ông Tuấn đánh giá đây là ngành rất “nhạy” đối với các diễn biến của kinh tế vĩ mô. Khi kinh tế tăng trưởng chậm, thu nhập co hẹp thì tất nhiên chi tiêu thắt chặt và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ. Các “ông lớn” trong ngành như Digiworld hay MWG đều đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh so với mức nền cao của năm trước.

    Trong ngắn hạn, ngành bán lẻ vẫn tiếp tục đối diện nhiều thách thức, song sau giai đoạn tăng trưởng “nóng”, việc tái cơ cấu là cần thiết cho các doanh nghiệp này. Nếu quá trình tái cơ cấu thành công, đây sẽ là đáy lợi nhuận và mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp bán lẻ trong 3 năm tiếp theo.

    Đối với ngành ngân hàng , với những động thái giảm lãi suất, các ngân hàng có năng lực mở rộng tín dụng, có bảng cân đối kế toán lành mạnh, còn room để phát triển tệp khách hàng thì vẫn có điều kiện tăng trưởng tín dụng. Những NH đặt mục tiêu tăng trưởng tốt, có sự thận trọng nhất định trong chiến lược, có bảng cân đối lành mạnh sẽ là cơ hội để tốt để nhà đầu tư “gạn đục khơi trong”. Khó nhìn thấy ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 30-40%, bởi 20% là đã rất cao.

    Nhận định về ngành chứng khoán , chuyên gia MBS đánh giá các CTCK đặt kế hoạch kinh doanh hết sức thận trọng. Điều này cũng không quá khó hiểu khi thanh khoản thị trường giảm mạnh khiến hoạt động môi giới và hoạt động cho vay margin suy giảm đáng kể.

    Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh cổ phiếu chứng khoán có độ “nhạy” rất cao so với thị trường nên lợi nhuận sẽ đi cùng chiều với thị trường. Con đường đi lên của thị trường còn khá gập ghềnh nên kỳ vọng vào con sóng lớn cho nhóm cổ phiếu này là rất khó. Do đó, với nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư nên dùng chiến thuận “đánh ngắn”, cứ có lãi là chốt lời sau đó canh nhịp chỉnh mua lại.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *