Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhịp phục hồi khá tích cực trong tháng 3. Đáng chú ý, VN-Index thiết lập chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp cuối tháng, qua đó ghi nhận mức tăng gần 4% lên sát ngưỡng 1.065 điểm.
Hướng tới những phiên giao dịch trong tháng đầu tiên của quý 2/2023, thông tin nhà đầu tư có thể tham khảo là dữ liệu quá khứ về VN-Index trong tháng 4 của những năm trước.
Theo thống kê trong 22 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam, VN-Index có 13 lần tăng điểm vào tháng 4 còn số lần giảm là 9. Sự bứt phá của chỉ số sàn HoSE trong tháng 4 thường khá mạnh với nhiều năm tăng trên 10% như 2001, 2006, 2009, 2020. Ngược lại, năm có tháng 4 giảm mạnh nhất đến hiện tại là 2007 khi chỉ số giảm hơn 13,76%.
Tuy nhiên, nếu thu hẹp phạm vi trong vòng 10 năm gần nhất thì chỉ số lại có phần nghiêng về chiều giảm với 6 lần giảm và 4 lần tăng đan xen. Cụ thể, năm 2018 ghi nhận mức giảm mạnh 10,58%, sau đó 2 năm chỉ số chính tăng trên 16% và cũng 2 năm sau, năm 2022 ghi nhận VN-Index giảm mạnh 8,4% trong tháng 4, đây cũng là giai đoạn đỉnh dài hạn của thị trường được hình thành.
Cần nhìn nhận rằng, kết quả kinh doanh quý 4/2022 không mấy tích cực đã kéo định giá thị trường “đắt” hơn tương đối so với thời điểm trước. P/E trailing của VN-Index hiện dừng ở mức 12,x lần cao hơn đáng kể so với đáy. Thậm chí, định giá thị trường có thể sẽ đắt hơn nếu tính đến khả năng suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 1/2023 trên nền so sánh rất cao cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền vào thị trường và sức hút của chứng khoán kém khả quan hơn thời gian tới.
Dù vậy, vẫn xuất hiện những yếu tố được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến diễn biến thị trường thời gian tới. Theo dữ liệu thống kê về hiệu suất VN-Index 20 năm qua, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC cho biết trung bình hiệu suất đầu tư 1 tháng của chỉ số chính đạt mức dương từ tháng 10 tới tháng 5, trước khi suy yếu vào các tháng 6 tới tháng 9. Nhìn chung, vị chuyên gia DSC đánh giá tháng 4 đem lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư, nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh và số liệu quý I/2023.
Ở một khía cạnh khác, mặc dù chững lại thời gian gần đây nhưng dòng vốn qua các quỹ ETF vẫn được kỳ vọng sẽ dẫn dắt khối ngoại trở lại TTCK Việt Nam. Theo nhiều đánh giá, ETF đang là xu hướng toàn cầu và mang tính dài hạn. Sự bùng nổ của các quỹ ETF góp phần không nhỏ kéo nhà đầu tư nước ngoài đến với chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn từ khu vực Châu Á.
Liên quan đến lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging market), những tiêu chí quan trọng như chu kỳ thanh toán và tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài vẫn là những vướng mắc chính.
Chuyên gia Lê Minh Hoàng, Phó giám đốc Khối Nghiên cứu & Đầu tư Chứng khoán EVS đánh giá rằng những tiêu chí trên không thể giải quyết trong thời gian ngắn, do đó, việc Việt Nam được nâng hạng lên Emerging market vẫn còn là tương lai xa. Song, nhà đầu tư có thể tiếp tục kỳ vọng vào chứng khoán khi câu chuyện nâng hạng vẫn còn ở trước mắt. ” Chúng ta có quyền mong đợi một giai đoạn bùng nổ của VN-Index khi vốn ngoại tràn vào Việt Nam “, ông Hoàng nêu rõ.
Thêm vào đó, ông Hoàng cũng nhận định lạc quan rằng sẽ không có những cú giảm “sốc” cho thị trường trong thời gian tới. Thời điểm hiện tại là phù hợp để các nhà đầu tư “làm bài tập”, tìm ra những cơ hội lớn ngay khi KQKD các doanh nghiệp quay đầu hồi phục mạnh mẽ.
Để lại một phản hồi