Dự đoán thanh khoản giảm nửa, HSC “cài số lùi” kế hoạch lợi nhuận
Theo thông tin vừa công bố tại tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC, mã: HCM) đặt kế hoạch kinh doanh giảm so với cùng kỳ. Với lợi nhuận năm liền trước đi lùi, HSC dự kiến sẽ có hai năm liên liếp tăng trưởng âm sau khi xác lập kỷ lục kinh doanh năm 2021.
Cụ thể, năm 2023, doanh thu kế hoạch của HSC là 2.338 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái. Cùng đó, chi phí hoạt động giảm 20%. Lợi nhuận trước thuế do đó cũng giảm 16% với kế hoạch đề ra là 901 tỷ đồng. Năm 2022, công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu 2.854 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.068 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 25% so với năm 2021. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên phê duyệt, con số thực hiện hoàn thành lần lượt 79% và 71% mục tiêu.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 đi lùi sau kết quả kinh doanh quý I không mấy sáng sủa – Nguồn: HSC |
Kế hoạch kinh doanh của HSC được đề ra dựa trên giả định giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường bình quân ngày đạt 9.000 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2022. Mục tiêu đề ra cũng căn cứ trên kết quả kinh doanh quý I. Ban lãnh đạo công ty ước tính lợi nhuận trước thuế quý I đạt 154 tỷ đồng, giảm 56% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm 2022. Doanh thu của hai mảng kinh doanh lớn nhất gồm môi giới và cho vay ký quỹ đều giảm sâu. Trong đó, doanh thu môi giới đạt 133 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Lãi từ cho vay đạt 222 tỷ đồng, giảm hơn 40%.
Thu lãi từ cho vay margin năm 2022 cao kỷ lục, khẳng định không cho vay các mã “giao dịch không thực chất”
Theo kế hoạch đề ra cho cả năm, lãi từ hoạt động cho vay tiếp tục là nguồn thu lớn nhất của HSC (962 tỷ đồng). HSC dự báo hoạt động cho vay ký quỹ duy trì ở mức trung bình quý IV/2022
“Với năng lực vốn chủ sở hữu hiện có, HSC có thể chủ động hơn trong hoạt động huy động vốn từ các nguồn khác. HSC vẫn sẽ tiếp tục kiên định áp dụng chính sách quản trị rủi ro theo hướng thận trọng để đảm bảo rủi ro được quản trị chặt chẽ”. Lãnh đạo HSC còn cho biết hoạt động quản trị rủi ro “đã làm rất tốt” trong giai đoạn đầy biến động vừa qua. Năm 2022 là năm thu về khoản lãi từ cho vay cao kỷ lục của HSC với gần 1.273 tỷ đồng thu về, chiếm 45% doanh thu. Công ty này cho biết không cho vay margin ngay từ những ngày đầu đối với các mã cổ phiếu được xem là giao dịch không thực chất, do đó, không có thiệt hại về tài chính khi các mã giảm mạnh giai đoạn vừa qua.
Môi giới là mảng kinh doanh sẽ “thu hẹp” nhiều nhất trong năm 2023 với mức giảm 44%. Doanh thu phí môi giới năm 2022 đã giảm 37% so với năm trước, sâu hơn mức giảm chung của thanh khoản toàn thị trường (24%). Dù vậy, thị phần môi giới nước ngoài của HSC duy trì ở mức cao trong tổng giao dịch của khối ngoại toàn thị trường. Theo giả định của HSC về năm 2023, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng tỷ trọng trong giao dịch toàn thị trường, từ mức 7,4% lên 10%.
Trong khi đặt kế hoạch đi lùi ở cả hai mảng nghiệp vụ chính, HSC đặt mục tiêu doanh thu từ tư vấn tài chính đạt 218 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2022. Đây là kế hoạch dựa trên danh mục các thương vụ tư vấn hiện có, lãnh đạo HSC cho hay.
Về hoạt động tự doanh, HSC tập trung vào các hoạt động tạo lập thị trường, phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ giao dịch khách hàng. Ngoài ra, theo báo cáo của ban kiểm soát, HSC không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan đến trái phiếu và không gánh chịu bất cứ hệ quả nào từ các tiêu cực về trái phiếu trong năm 2022.
Dự kiến chi trả cổ tức 7% năm 2023, dành ngân sách 15 tỷ đồng chi trả HĐQT và BKS
Cùng kế hoạch kinh doanh đi lùi, cổ tức dự kiến năm 2023 cũng đang được đặt ra ở mức khá thấp là 7% bằng tiền mặt/cổ phiếu. Mức trên tương đương khoảng 80% lợi nhuận sau thuế năm 2023.
Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 trình cổ đông tại kỳ họp tới, HSC dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:6. Trước đó, công ty chứng khoán này đã tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 2,5%. Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức vẫn vượt mức kế hoạch 12% từng đề ra.
Quy mô vốn điều lệ của HSC không thay đổi trong năm 2022 (4.580 tỷ đồng). Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm trước, các cổ đông đã phê duyệt phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 Dù được thông qua, tỷ lệ tán thành phương án này không ở mức tuyệt đối, chỉ đạt 65,16%; tỷ lệ không tán thành là 34,71%.
HSC trình cổ đông thông qua ngân sách hoạt động của hội đồng quản trị và ban kiểm soát với tổng số tiền 15 tỷ đồng để chi trả cho 7 thành viên HĐQT và 3 thành viên ban kiểm soát.
Năm 2023, công ty đã chi trả tổng cộng 14,75 tỷ đồng để trả lương và quyền lợi gộp khác với các nhân sự quản lý chủ chốt, tăng 1,5 tỷ đồng so với năm liền trước. Trong đó, thù lao hội đồng quản trị là gần 4,61 tỷ đồng; ban kiểm soát 1,15 tỷ đồng. Riêng ông Trịnh Hoàng Giang – CEO của HSC được công ty chi trả 9 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2021. Ông Giang cũng là một trong những vị CEO được trả thù lao lớn nhất trong khối các công ty chứng khoán.
Để lại một phản hồi