“Tuần dương hạm USS Philippine Sea, tàu khu trục USS Mason sử dụng hệ thống chiến đấu Aegis và tên lửa SM-2 đánh chặn mục tiêu bay siêu thanh GQM-163 phóng từ cơ sở của NASA tại bang Virginia”, hải quân Mỹ cho biết hôm 3/4 khi công bố video đợt diễn tập.
Hai chiến hạm phô diễn năng lực đánh chặn tên lửa siêu thanh khi đang tham gia Huấn luyện Chiến thuật Tác chiến Mặt nước Nâng cao (SWATT) trên Đại Tây Dương hôm 27/3. Hải quân Mỹ cho biết SWATT là hoạt động nhằm cải thiện năng lực chiến đấu và hiệu quả chiến thuật của các lực lượng trên mọi mặt trận.
Trong video quay bằng thiết bị hồng ngoại, quả đạn GQM-163 rời bệ phóng và nhanh chóng tăng tốc trong lúc bay sát mặt biển, mô phỏng tên lửa diệt hạm siêu thanh đang lao tới mục tiêu.
Vài giây sau, mỗi tàu chiến Mỹ khai hỏa một tên lửa SM-2 từ vị trí an toàn, nằm ngoài đường bay của tên lửa. Cả hai quả đạn nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, tên lửa đầu tiên tạo ra vụ nổ lớn nhưng chưa rõ tác động đến đạn GQM-163. Tên lửa thứ hai đánh trúng đích, tạo ra nhiều mảnh vỡ và khiến mục tiêu bay bị mất lái, vọt lên cao rồi bốc cháy và rơi xuống biển.
Tên lửa diệt hạm siêu thanh với khả năng bay bám biển là một trong những mối đe dọa lớn nhất với tàu chiến hiện đại. Độ cao nhỏ trong quá trình tiếp cận mục tiêu khiến chúng rất khó bị phát hiện, hệ thống phòng thủ trên tàu chiến thường chỉ có vài giây để phản ứng, trong khi tốc độ siêu thanh của quả đạn cũng khiến tên lửa phòng không và pháo hạm gặp khó khăn.
Nga hiện là quốc gia hàng đầu thế giới về tên lửa diệt hạm siêu thanh, với nhiều loại trong biên chế hải quân như P-270 Moskit, P-500 Bazalt, P-700 Granit, P-800 Oniks và biến thể 3M54 của tổ hợp tên lửa đa năng Kalibr, đồng thời xuất khẩu những vũ khí này cho nhiều quốc gia. Moskva cũng phát triển và đang bắt đầu biên chế tên lửa siêu vượt âm Zircon với khả năng tấn công cả mục tiêu mặt nước và trong đất liền.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng chế tạo nhiều loại tên lửa diệt hạm siêu thanh phóng từ tàu hải quân, máy bay và bệ phóng mặt đất.
Vũ Anh (Theo Drive)
Để lại một phản hồi