Tượng đài công nghệ Hàn Quốc đối mặt tình thế khó khăn: Lợi nhuận dự kiến giảm 90% nhưng quyết nói không với đề xuất thay đổi

TIN MỚI

    Theo tờ SCMP, Samsung Electronics dự kiến ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 do nhu cầu công nghệ giảm mạnh khiến mặt hàng chất bán dẫn của tập đoàn chịu cảnh “ế ẩm”.

    Điều này được nhà sản xuất điện tử hàng đầu Hàn Quốc thông báo trong bản báo cáo sơ bộ. Dự kiến, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sẽ giảm mạnh – khoảng 90%, xuống còn 1,45 nghìn tỷ Won (tương đương 1,1 tỷ USD). Thậm chí một vài nhà đầu tư còn dự báo mức lợi nhuận chỉ có thể hơn mức hòa vốn một chút.

    Ngành chip điêu đứng

    Tượng đài công nghệ Hàn Quốc đối mặt tình thế khó khăn: Lợi nhuận dự kiến giảm 90% nhưng quyết nói không với đề xuất thay đổi - Ảnh 1.

    Thế giới đã chứng kiến quá trình ngành công nghiệp bán dẫn trải qua thời kỳ “trồi sụt”. Trong đại dịch, nhu cầu của ngành đã tăng lên nhanh chóng khi người tiêu dùng liên tục mua máy tính và điện thoại di động mới. Vì vậy, vào thời điểm đó, các nhà sản xuất chip như Samsung đã tăng cường sản xuất.

    Tuy nhiên, từ khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, lạm phát leo thang kéo theo lãi suất tăng mạnh cũng như những biến động kinh tế toàn cầu đã khiến doanh số bán hàng sụt giảm. Điều này khiến ngành công nghiệp trị giá 160 tỷ USD phải đối mặt với tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu. Hàng tồn kho của nhiều công ty tăng đột biến, giá DRAM và NAND thì giảm mạnh.

    Và Samsung – khủng long trong làng chip cũng dự kiến sẽ lỗ khoảng 2,7 tỷ USD cho hoạt động kinh doanh chip nhớ.

    Nhận xét về tình trạng này, ông Lee Seung-woo, nhà phân tích tại Eugene Investment & Securities cho biết: “Vấn đề lớn nhất hiện nay là lượng tồn kho chip quá cao. Nếu muốn giải quyết vấn đề, công ty phải cắt giảm sản lượng”.

    Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, giá DRAM – một loại chip nhớ dùng để xử lý dữ liệu trong máy tính và điện thoại đã giảm 20% trong quý I năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khoảng 10-15% trong quý II. Ngoài ra, giá chip lưu trữ NAND cũng đã giảm tới 15% trong quý I và có thể sẽ giảm tiếp 5-10% trong quý tới.

    Baik Gilhyun, nhà phân tích tại Yuanta Securities cũng cho biết: “Giá chip nhớ giảm sâu hơn kỳ vọng của thị trường trong quý đầu tiên do nhu cầu giảm. Trong tương lai, giá sẽ tiếp tục sụt nữa nhưng với tốc độ chậm hơn và cũng không có biến động quá mạnh vì giá của DRAM và NAND đã sắp chạm đến giá vốn”.

    Theo dữ liệu mà Bộ Thương mại Hàn Quốc công bố, xuất khẩu chip của quốc gia này đã tiếp tục giảm tới 34,5% trong tháng 3 sau khi sụt hơn 40% trong tháng trước đó. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất đã giảm 33,4% khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gặp khó khăn.

    “Khăng khăng” chọn chiến lược khác biệt

    Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành Micron Technology tuần trước đã nói rằng ông rất lạc quan về sự phục hồi của thị trường trong năm nay khi lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu đã có khởi sắc. Tuy nhiên, bất cứ sự cải thiện nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các nhà sản xuất chip lớn có giảm sản lượng hay không. Ông cũng nói thêm: “Sự phục hồi có thể được đẩy nhanh hơn nếu việc cắt giảm nguồn cung tiếp tục được thực hiện”.

    Tượng đài công nghệ Hàn Quốc đối mặt tình thế khó khăn: Lợi nhuận dự kiến giảm 90% nhưng quyết nói không với đề xuất thay đổi - Ảnh 2.

    Và Samsung là người quyết định. Trong khi Micron, SK Hynix và cả Kioxia Holdings đã cắt giảm đầu tư cũng như sản lượng để ngăn chặn giá chip nhớ sụt giảm hơn nữa thì Samsung vẫn duy trì mức sản xuất của mình.

    Giải thích cho vấn đề này, Chủ tịch Jay Y. Lee – nhà lãnh đạo hiện tại của Samsung cho biết chiến lược của họ từ trước đến nay là tiếp tục giữ sản lượng mạnh mẽ trong thời kỳ suy thoái để tăng vị thế cạnh tranh. Cách tiếp cận này sẽ giúp công ty giành thị phần từ các đối thủ như Hynix và Micron Technology.

    Tại thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc), các công nhân của Samsung vẫn luôn bận rộn xây dựng dây chuyền sản xuất chip khổng lồ thứ 4 và có kế hoạch bổ sung thêm 2 nhà máy nữa vào cuối thập kỷ này.

    Bên cạnh chip nhớ, công ty cũng đang cố gắng mở rộng sang mảng kinh doanh xưởng đúc linh kiện bán dẫn – hiện do TSMC thống trị. Mới đây, Samsung đã công bố khoản đầu tư 300.000 tỷ won cho một nhà máy siêu chip mới ở Yongin (Hàn Quốc).

    Trong khi các đối thủ và nhà đầu tư kêu gọi Samsung đi theo con đường cắt giảm sản lượng thì công ty này dường như sẽ không làm như vậy.

    Và tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Lee đã nói với các giám đốc điều hành của công ty rằng họ không nên bối rối trước những thách thức của ngành và khuyên họ tiếp tục đầu tư vào tương lai.

    Tham khảo SCMP

    Giải mã những ấm trà có giá đắt bằng cả căn chung cư: Bí quyết nằm ở loại đất quý hơn vàng của Trung Quốc

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *