Yevhen Bashynsky, 38 tuổi, trầm tư đứng nhìn phần mũi không còn nguyên vẹn của chiếc vận tải cơ Antonov An-225. Được trìu mến gọi là Mriya, hay “Giấc mơ”, vận tải cơ khổng lồ này là niềm tự hào của đất nước Ukraine và cả Bashynsky, một trong những phi công từng điều khiển nó.
Đây là lần đầu tiên Bashynsky quay lại nhìn tàn tích của Mriya sau khi “Giấc mơ” bị phá hủy trong giai đoạn đầu chiến sự. “Thật đau lòng khi đến đây, chứng kiến máy bay bị hư hại, nhà chứa cũng bị tàn phá”, anh nói.
Ngay khi xung đột nổ ra ngày 24/2/2022, lực lượng lính dù tinh nhuệ Nga đã đổ bộ xuống sân bay Antonov ở Hostomel, tây bắc Kiev, nhằm chiếm cứ điểm quan trọng này. Theo kế hoạch, lực lượng này sẽ biến sân bay Antonov thành đầu cầu quan trọng để tập kết quân tấn công thủ đô Ukraine.
Nhưng cuộc tấn công đã không diễn ra như dự kiến. Lính dù Nga bên trong sân bay Antonov bị bao vây nhanh chóng đến mức họ không có thời gian chờ viện binh tới.
Ngay lúc đó, tin tức được lan truyền trong giới hàng không rằng Mriya đã bị hư hại trong giao tranh. Khi lực lượng Ukraine tái kiểm soát sân bay, họ nhận ra mức độ tàn phá thậm chí còn khủng khiếp hơn, khi vận tải cơ độc nhất vô nhị này đã gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Cơ quan An ninh Ukraine hôm 5/4 cho biết nhà chức trách đang tiến hành điều tra về việc cựu giám đốc công ty Antonov đã không ra lệnh sơ tán máy bay đến nơi an toàn ở Đức theo kế hoạch khi chiến sự nổ ra.
Mriya là chiếc vận tải cơ sở hữu nhiều kỷ lục như máy bay nặng nhất thế giới, sải cánh dài nhất thế giới. Nó sở hữu 6 động cơ với lực đẩy gần 23.000 kg mỗi chiếc, tải trọng 250 tấn.
Chỉ một chiếc An-225 duy nhất xuất xưởng và cất cánh lần đầu tiên vào năm 1988. Nó được thiết kế để chở tàu vũ trụ Buran của Liên Xô trên lưng. Nhưng sau khi Ukraine tuyên bố độc lập, tập đoàn Antonov đã nhiều lần tân trang lại máy bay này.
Đầu những năm 2000, Mriya bắt đầu hoạt động trở lại như một máy bay vận tải thương mại. Ruslan Bykovets, giám đốc bộ phận vận chuyển hàng hóa của Antonov, cho biết, từ khởi đầu chậm chạp, nó dần dần có chỗ đứng tại thị trường ngách quan trọng của lĩnh vực vận tải hàng không.
Mriya chở mọi thứ dù lớn đến đâu, từ vệ tinh, máy biến thế cho đến nước sạch hỗ trợ vùng thiên tai. Trong đại dịch Covid-19, nó vận chuyển vô số thiết bị, vật tư y tế quan trọng.
Phi công Bashynsky cho hay chiếc vận tải cơ rất khó điều khiển khi chạy đà dưới mặt đất, nhưng khi đã bay lên trời, nó mang đến cho anh niềm hứng khởi to lớn. Rất nhiều người đam mê hàng không luôn dõi theo từng hành trình của nó.
“Nó giống như cảm giác bạn là một phần của điều gì đó lớn lao. Bạn được chạm vào một thứ gì đó lớn lao”, anh nói. “Đó cũng là một trách nhiệm lớn, bởi bạn đang thu hút rất nhiều chú ý. Vài ngày sau khi bay, bạn có thể mở YouTube lên và xem mọi thứ mình đã làm”.
Tháng 5 năm ngoái, nhận thấy ý nghĩa biểu tượng quan trọng của Mriya, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ hồi sinh vận tải cơ huyền thoại này.
Các quan chức của Antonov cho biết một chiếc An-225 khác từng được chế tạo nhưng bị bỏ dở vào những năm 1990 vì thiếu kinh phí. Kế hoạch hiện nay là tận dụng những gì họ đã làm để tạo ra vận tải cơ mới.
Hàng chục kỹ sư và kỹ thuật viên đã lục tung đống đổ nát còn lại của Mriya tại Hostomel với hy vọng có thể chắt lọc những bộ phận hữu ích. Theo nhà thiết kế Valerii Kostiuk của Antonov, họ sẽ tháo một bên cánh của máy bay để cố gắng khôi phục nó.
“Máy bay sẽ được trang bị động cơ hiện đại, thiết bị điện tử tiên tiến. Các công ty nổi tiếng sẽ tham gia vào quá trình hồi sinh nó”, ông nhấn mạnh.
Không rõ đó là những công ty nào và Ukraine sẽ chi trả thế nào để chế tạo máy bay mới, khi các chuyên gia ước tính chi phí có thể lên đến một tỷ USD. Giám đốc điều hành Antonov Bykovets cũng hiểu rõ rằng đây không phải ưu tiên hàng đầu đối với một đất nước đang bị tàn phá bởi chiến sự.
Dù vậy, ông khẳng định công việc vẫn cần được hoàn thành.
“Chiếc vận tải cơ này là biểu tượng của Ukraine”, Bykovets nói. “Nó là một biểu tượng giống như tháp Burj Khalifa hay tượng Nữ thần Tự do”.
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Để lại một phản hồi