Bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội gần đây cho thấy khuôn viên xung quanh ngôi nhà cũng không bị ảnh hưởng, dù toàn bộ khu vực xung quanh ở thị trấn Lahaina trên đảo Maui gần như đã bị thiêu rụi. Một số người gọi đây là “phép màu”, trong khi số khác bày tỏ hoài nghi, cho rằng đây là ảnh ghép.
Vợ chồng bà Dora Atwater Millikin, chủ nhà, ngày 18/8 xác nhận đây là ảnh thật, dù họ không rõ lý do căn nhà của mình có thể trụ vững, trong lúc những hàng xóm xung quanh “mất tất cả”. Khi trận bão lửa tấn công thị trấn Lahaina, vợ chồng bà đang thăm họ hàng ở Massachusetts và chưa trở về Maui.
Họ gần đây đã sửa sang lại căn nhà, nhưng không phải để tăng khả năng chống cháy cho nó. Ngôi nhà 100 tuổi này từng là văn phòng kế toán của một công ty sản xuất đường ở thị trấn Lahaina từ giữa những năm 1800.
Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương và Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA) ước tính khoảng 2.719 công trình kiến trúc bị hư hại hoặc phá hủy sau thảm kịch.
“Căn nhà làm hoàn toàn bằng gỗ và chúng tôi không có ý định tăng khả năng chống cháy cho nó”, bà Millikin nói.
Trong đợt tu sửa, vợ chồng bà Millikin thay phần mái phủ giấy dầu bằng mái tôn. Họ lát lại đá trên lối vào, đồng thời cắt bỏ những tán cây dựa vào nhà, tránh nguy cơ mối mọt xâm lấn sang cấu trúc gỗ.
“Chúng tôi yêu nét cổ kính của kiến trúc cũ, nên không thay đổi mà chỉ tu sửa, nhằm tôn vinh nó”, bà cho hay. Những sửa đổi này có thể đã phát huy tác dụng, khiến căn nhà chống cháy tốt hơn trước trận bão lửa.
Trong trận cháy rừng ở Maui, những tàn lửa bay theo gió được coi là nguyên nhân chính khiến các căn nhà gỗ lợp giấy dầu liên tiếp bốc cháy.
“Mọi người thường cho rằng đám cháy như một bức tường lửa tấn công các ngôi nhà, nhưng cơ chế cháy lan thường là do than hồng bay theo gió”, Susie Kocher, chuyên gia lâm nghiệp của Đại học Tăng cường Hợp tác California, nói.
Bà Kocher cho biết mái nhà là yếu tố hàng đầu khiến các ngôi nhà ở Maui trở nên dễ cháy, bởi chúng đóng vai trò như “bãi đáp rộng rãi cho than hồng bay trong gió khi cháy rừng”.
“Khi hỏa hoạn xảy ra, nhiều mảnh gỗ cháy dài tới 30 cm gần như trôi nổi trong luồng gió mạnh. Khi chúng rơi xuống mái nhà bằng giấy dầu, nó sẽ bắt lửa, sau đó đốt cháy những tán cây xung quanh”, bà Millikin nêu phỏng đoán.
Yếu tố tiếp theo có thể giúp ngôi nhà của vợ chồng bà Millikin nguyên vẹn giữa đám cháy là môi trường xung quanh. Các chuyên gia khuyến cáo chủ nhà dọn sạch thảm thực vật dễ cháy trong bán kính 1,5 mét và thay thế bằng những vật liệu cảnh quan như đá lát hoặc sỏi, tương tự những điều vợ chồng bà Milikin đã làm.
“Nếu để cây cối, bụi rậm cạnh nhà, đặc biệt là những cây dễ cháy, than hồng sẽ bắt lửa. Sức nóng có thể làm vỡ cửa sổ và lửa táp thẳng vào nhà”, chuyên gia Kocher nói.
Căn nhà cũng có thể tránh được thảm họa do nằm không quá gần các ngôi nhà lân cận. Trước mặt ngôi nhà là biển, xung quanh là đường đi và một bãi đất trống, đóng vai trò như vành đai ngăn lửa.
“Một trong những ‘mồi lửa’ lớn nhất là các căn nhà xung quanh”, bà Kocher nói. “Nếu một căn bốc cháy, bức xạ nhiệt có thể tấn công các nhà lân cận nếu ở quá gần, trong phạm vi dưới 9 mét”.
Bà Millikin hy vọng có thể sớm trở lại thị trấn để mở cửa căn nhà, làm nơi tạm trú cho những hàng xóm mất nhà cửa.
“Nhiều người ra đi, rất nhiều người mất tất cả. Chúng ta cần quan tâm lẫn nhau và cùng nhau tái thiết thị trấn”, bà nói.
Ít nhất 110 người đã thiệt mạng khi các đám cháy càn quét đảo Maui hôm 8/8 và con số này dự kiến tăng lên trong những ngày tới. Khoảng 1.300 người mất tích trong thảm họa tự nhiên chết chóc nhất lịch sử bang Hawaii.
Đức Trung (Theo Los Angeles Times)
Để lại một phản hồi