Chính phủ Đức đối mặt áp lực chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine

Andreas Schwarz và Nils Schmid, hai thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, gần đây tham gia vào nhóm kêu gọi Đức chuyển tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 với tầm bắn hơn 500 km cho Ukraine.

“Đợt phản công đang chững lại. Ukraine không có lực lượng không quân yểm trợ đáng kể”, ông Schwarz ngày 6/8 cho biết. “Do đó Ukraine cần những loại vũ khí như tên lửa hành trình Taurus để vượt qua bãi mìn mà Nga thiết lập và giành lại lãnh thổ”.

Ông Schmid, đảng viên SPD phụ trách chính sách tại quốc hội Đức, lặp lại bình luận của ông Schwarz một cách thận trọng rằng nước này “không loại trừ khả năng phối hợp với Mỹ cung cấp các hệ thống” như tên lửa hành trình Taurus.

Tuy nhiên, ông Schmid khẳng định điều quan trọng là đảm bảo cho các binh sĩ Ukraine, không phải là Đức, có thể lập trình mục tiêu cho tên lửa. Nếu không, điều này sẽ đẩy Đức “đến gần nguy cơ tham gia trực tiếp vào xung đội Nga – Ukraine”, ông Schmid nói.

Tiêm kích Typhoon của Đức mang tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 cất cánh từ một sân bay vào tháng 2/2014. Ảnh: Wikimedia

Tiêm kích Typhoon của Đức mang tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 cất cánh từ một sân bay vào tháng 2/2014. Ảnh: Wikimedia

Taurus KEPD 350 là mẫu tên lửa hành trình phóng từ máy bay, được trang bị công nghệ tàng hình và có tầm bắn khoảng 500 km. Tên lửa nặng 1,4 tấn, mang theo đầu đạn nặng 481 kg, có thể bay ở độ cao 30-70 km với tốc độ Mach 0,6-0,95.

Giới chuyên gia phương Tây nhận định nếu Đức chấp thuận chuyển tên lửa Taurus KEPD 350, động thái này sẽ thúc đẩy đợt phản công bắt đầu từ tháng 6 của Ukraine. Chiến dịch này tới nay chỉ đạt được tiến bộ một phần, trong khi lực lượng Ukraine chịu nhiều tổn thất.

Các đơn vị bộ binh Ukraine, với xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo, thiết giáp M2 Bradley của Mỹ và nhiều loại vũ khí chuẩn NATO khác do phương Tây cung cấp, phải vật lộn để vượt qua các lớp phòng thủ kiên cố với bãi mìn dày đặc của Nga.

Trong nỗ lực định hình chiến trường nhằm tạo thuận lợi cho chiến dịch, Ukraine nhiều lần phóng tên lửa Storm Shadow/SCALP EG tầm bắn 250 km do Anh viện trợ vào kho vũ khí, nhiên liệu và sở chỉ huy của quân đội Nga, cùng hạ tầng dân sự như cầu đường bộ. Nga sau đó không kích căn cứ không quân của Ukraine để đáp trả.

Pháp hồi tháng 7 thông báo sẽ viện trợ cho Ukraine tên lửa Storm Shadow/SCALP EG. Tuy nhiên, Đức và Mỹ tỏ ra do dự hơn trong vấn đề này. Giới chức Đức lo ngại nguy cơ chiến sự leo thang khi nước này cung cấp vũ khí có tầm bắn hơn 500 km cho Ukraine, có thể dùng để tấn công lãnh thổ Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuần trước cho biết việc cung cấp tên lửa Taurus, do hãng MBDA của Đức và công ty con của tập đoàn Thụy Điển Saab chế tạo, “không phải là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi lúc này”.

Ông Pistorius nói Đức, quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine nhiều thứ hai sau Mỹ, không phải nước duy nhất do dự về vấn đề này. Bộ trưởng Pistorius cũng khẳng định tên lửa Taurus của Đức “có tầm bắn đặc biệt”.

Tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 tại triển lãm ở Berlin, Đức tháng 8/2006. Ảnh: Wikimedia

Tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 tại triển lãm ở Berlin, Đức tháng 8/2006. Ảnh: Wikimedia

Tranh luận tại Đức về cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine được so sánh với cuộc thảo luận kéo dài nhiều tháng liên quan tới viện trợ xe tăng chủ lực Leopard 2.

Sau nhiều tháng cân nhắc, Đức hồi tháng 1 chấp thuận viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và cấp phép cho hoạt động này, sau khi Mỹ đưa ra cam kết tương tự với xe tăng M1 Abrams.

Nghị sĩ Schwarz nói ông có cảm giác déjà vu (cảm thấy như đã trải qua tình huống hiện tại trước đây) với tranh luận về tên lửa Taurus. “Tương tự xe tăng chủ lực, chúng ta đang từ chối viện trợ loại vũ khí mà cuối cùng cũng sẽ được chuyển giao”, ông Schwarz nói, đồng thời khẳng định Ukraine chưa từng dùng pháo phản lực HIMARS và biến thể MARS II của Đức để tập kích lãnh thổ Nga dù có thể làm vậy.

Đại tá Yuriy Ignat, phát ngôn viên không quân Ukraine, cho biết lực lượng nước này muốn nhận tên lửa hành trình Taurus và Storm Shadow/SCALP EG. “Chúng tôi cần nhiều loại vũ khí này hơn. Chúng sẽ hiệu quả trong phá hủy kho vũ khí, cầu phao và cầu của Nga”, ông Ignat nói.

Nguyễn Tiến (Theo FT)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*