Mỹ có thể tìm cách lắp tên lửa tầm trung cho tiêm kích Ukraine

Ba quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm 7/3 cho biết giới chức nước này đang tìm hiểu liệu tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, vốn được thiết kế cho tiêm kích phương Tây, có thể được triển khai trên chiến đấu cơ MiG-29 theo chuẩn Liên Xô của Ukraine hay không.

Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu Mỹ cung cấp tên lửa không đối không cho phi đội tiêm kích Ukraine, bổ sung đáng kể năng lực tác chiến cho không quân nước này trong bối cảnh Kiev và Moskva chuẩn bị mở những chiến dịch tấn công quy mô lớn trong mùa xuân.

Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ tiêm kích hiện đại như F-16, nhưng Washington và các đồng minh nhiều lần từ chối. Thay vì cung cấp F-16, giới chức Mỹ đang tìm những phương án lấp khoảng trống cho Ukraine, như trang bị tên lửa diệt radar AGM-88B HARM và bom dẫn đường JDAM-ER cho tiêm kích MiG-29.

Lính Mỹ lắp tên lửa AMRAAM cho tiêm kích diễn tập ở Thái Bình Dương hồi tháng 2/2022. Ảnh: US Navy.

Lính Mỹ lắp tên lửa AMRAAM cho tiêm kích diễn tập ở Thái Bình Dương hồi tháng 2/2022. Ảnh: US Navy.

Không quân Ukraine đang sở hữu một số tên lửa AMRAAM do một số nước châu Âu cung cấp, nhưng chúng chỉ được sử dụng trên các hệ thống phòng không mặt đất như NASAMS.

Hai quan chức Mỹ thừa nhận quá trình đánh giá đã chỉ ra hàng loạt thách thức về kỹ thuật trong nỗ lực gắn AMRAAM cho MiG-29. Tên lửa AMRAAM sử dụng bệ phóng khác với giá treo của tiêm kích Ukraine, hệ thống điện tử của quả đạn cũng không tương thích với radar và thiết bị trên những chiến đấu cơ MiG-29 ra đời từ thời Liên Xô.

“Các hệ thống của Mỹ và Liên Xô khác nhau đến mức tên lửa không thể trao đổi thông tin với máy bay. Quá trình đánh giá đang ở giai đoạn tìm phương án lắp tên lửa lên máy bay, cũng như tìm cách kết nối các hệ thống của phi cơ với loại vũ khí không nằm trong thiết kế của nó”, một người nói.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối cung cấp thêm thông tin vì lý do bí mật quân sự.

Giới chức Ukraine và Nga chưa bình luận về thông tin.

Không quân Ukraine vận hành phi đội tiêm kích hạng nặng Su-27 và chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 từ thời Liên Xô, cùng cường kích Su-24 và Su-25 có tuổi đời khá cao. Mỹ đang tìm cách nâng cấp khả năng tác chiến cho lực lượng này, thay vì cung cấp tiêm kích như F-16, vốn đòi hỏi quá trình huấn luyện kéo dài và phức tạp cho phi công cùng kỹ thuật viên.

AIM-120 AMRAAM là tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, có thể hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Đầu dò radar chủ động cho phép tên lửa ứng dụng nguyên lý “bắn và quên”, giúp máy bay không cần liên tục khóa mục tiêu sau khi phóng đạn và thoát ly khỏi đòn bắn trả của đối phương.

Phiên bản AIM-120A nguyên gốc có tầm bắn 50 km, trong khi biến thể AIM-120C-7 hiện đại được Mỹ bán cho đồng minh có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 105 km.

Đây là một trong những vũ khí đối không chính của tiêm kích Mỹ và đồng minh, bên cạnh tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Nhà sản xuất Raytheon cho biết dòng AMRAAM đang trong biên chế của Mỹ và gần 40 quốc gia trên thế giới.

Vũ Anh (Theo Politico)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*