Chứng khoán Việt Nam chưa phục hồi nhiều so với Thế giới, triển vọng dài hạn vẫn còn tích cực

TIN MỚI

    Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có nhịp hồi phục mạnh, nhiều nhà đầu tư đã có mức sinh lợi đáng kể. Dù vậy, đà tăng còn duy trì trong thời gian tới hay không là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS) đã có những chia sẻ về xu hướng thị trường chứng khoán hiện nay cũng như cơ hội đầu tư cổ phiếu.

    BTV Mùi Khánh Ly: Thời gian qua, thị trường tài chính toàn cầu đã phục hồi mạnh và đến nay đã có một mức tăng trưởng khá, vậy theo ông, diễn biến thị trường tài chính toàn cầu thời gian tới sẽ đi theo hướng nào?

    Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS)

    Trong năm 2023, thị trường Trung Quốc gần như là đi ngang , với thị trường chứng khoán Mỹ tăng giá trở lại tiệm cận đỉnh cao của năm 2022, thị trường Châu Âu liên tục phá đỉnh cao mọi thời đại, còn thị trường Nhật Bản năm 2023 đã tăng mạnh tiệm cận đỉnh cao năm 1989 của họ…Trong thời gian tới dự báo thị trường tài chính toàn cầu có xu hướng đi ngang rõ nét hơn, dựa vào những đánh giá về tiềm ẩn rủi ro tiềm ẩn. Và hiện tổng cầu trên toàn thế giới vẫn chưa thực sự cải thiện nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Đồng thời, sau khi đã tăng mạnh thì trong ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường chứng khoán thế giới sẽ bước vào nhịp điều chỉnh.

    Vậy với dữ liệu từ các đợt hậu khủng hoảng tài chính thế giới trước đây, ông thấy các đợt phục hồi từ đáy của thị trường đã diễn ra như thế nào?

    Theo các thống kê của chúng tôi thì thường sóng phục hồi sau khủng hoảng sẽ tăng rất dốc, tăng bằng 50-60% so với sóng lên trước khi một cuộc khủng hoảng xảy ra. Ví dụ trước khi khủng hoảng đã tăng thêm được 1.000 điểm, và sau đó, khi thị trường giảm về đáy và phục hồi thì có thể sẽ lên lại 500-600 điểm, ngay lập tức khá là dốc. Còn sau khi phục hồi dốc lại rồi thì lúc đó, nhà đầu tư sẽ phải dựa vào các yếu tố hiện có để phân tích thị trường sẽ đi theo hướng nào.

    Còn tại thị trường Việt Nam, sau khi giảm sâu vào năm ngoái, thị trường đến nay đã phục hồi và tăng trưởng được khoảng 20%. Liệu rằng thị trường sẽ phục hồi giống như diễn biến của các thị trường chứng khoán trước đây không?

    Rất tình cờ, bộ phân phân tích và nghiên cứu của Smart Invest cũng đang nghiên cứu chu kỳ 4 năm của thị trường, các giai đoạn 2011-2013, 2014-2017, 2018-2021 và dự kiến là 2022-2025, nhận thấy các đợt đang diễn ra theo đúng chu kỳ lịch sử, và diễn biễn của thị trường Việt Nam sau giai đoạn phục hồi cũng đang cho thấy đi theo các năm trước. Thị trường Việt Nam giai đoạn này tăng được 20% chúng tôi đánh giá là phù hợp với các chính sách vĩ mô đang có, với P/E khoảng 14,18 lần. Ở mặt bằng giá hiện tại, chúng tôi cho rằng mức định giá không đắt cũng không rẻ. Và thông thường để tăng giá tiếp, nhà đầu tư cần nhìn vào triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp như cải thiện lợi nhuận gộp, tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng EPS để tìm động lực tăng trưởng mới cho thị trường. Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp khi sự hưng phấn vẫn có thể kéo, và khi đó chỉ số giao dịch quanh vùng định giá 10-11 lần thường được coi là rẻ trong bối cảnh lãi suất như hiện tại, còn mức 14-16 lần là hợp lý, còn 20-22 sẽ là đắt.

    Thực tế, thị trường Việt Nam đã phục hồi nhưng nếu so với các thị trường khác thì vẫn còn chưa thực sự phục hồi nhiều. Chúng tôi kỳ vọng năm sau thị trường sẽ theo xu hướng tích cực.

    Vậy theo ông, với lần phục hồi này, thị trường có thể tăng lên mức cũ đã từng đạt được là 1.500 điểm hoặc xa hơn không?

    Chúng ta nên nhìn mốc 1.300 điểm sẽ khả thi hơn, tuy nhiên khá là khó để đoán được chỉ số. Về ngắn hạn, giai đoạn này chúng ta nên theo dõi theo tỷ giá để đánh giá những diễn biến của thị trường. Thứ hai, tăng trưởng tín dụng chúng ta đang gặp khó khi tiếp tục tăng trưởng âm trong tháng 7. Mức định giá P/E cho năm 2023 đang được tính toán ở mức 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình là 16,5 lần. Định giá P/B hiện ở mức 1,8 lần, dự báo đến hết năm 2023 ở khoảng 1,7 lần, vẫn hấp dẫn so với mức trung bình là 2,2 lần. Tuy nhiên, việc tăng tiếp trở lại sẽ chậm chứ không nhanh, mức 1.500 điểm thể chúng ta sẽ đạt được vào năm 2024 nếu không có những yếu tố được gọi là “thiên nga đen” như năm 2022.

    Về triển vọng những tháng cuối năm, doanh nghiệp Việt Nam đã tạo đáy kết quả kinh doanh vào quý II, bắt đầu dần hồi phục trong quý III và dự kiến có thể tăng trưởng mạnh trong quý IV. Tôi cho rằng thị trường chứng khoán luôn tồn tại cơ hội ngắn hạn và dài hạn, tùy thuộc khẩu vị và sở trường của nhà đầu tư. Sau khi kết quả kinh doanh quý II được công bố, thị trường chứng khoán tiến vào vùng trống thông tin. Đây là giai đoạn nhà đầu tư có thể đánh giá lại danh mục, theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm để lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng tốt.

    Trong đợt phục hồi vừa rồi, nhiều nhà đầu tư cũng đã thu được lợi nhuận, nhưng cũng có những nhà đầu tư chưa thực sự quay lại thì trường. Với những phân tích ở trên thì theo ông, nhà đầu tư nên làm gì vào thời điểm này?

    Thông thường với giai đoạn phục hồi ban đầu, thị trường đi lên từ đáy nên các cổ phiếu có sự tăng giá đồng đều giúp các nhà đầu tư dễ có lãi hơn, chỉ có là lãi ít hay lãi nhiều. Đến giai đoạn này thị trường sẽ phân hóa hơn và nhà đầu tư cần có góc nhìn rõ hơn về triển vọng của từng ngành nghề, doanh nghiệp, và xây dựng cho mình một phương pháp giao dịch cụ thể và tuân thủ theo kỷ luật để thực hiện chiến lược đó. Theo đánh giá của chúng tôi, thời điểm hiện tại chúng ta có thể quan tâm đến một số nhóm ngành như bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp hay đầu tư công, hoặc với bối cảnh thanh khoản và thị trường sôi động trở lại thì nhóm chứng khoán cũng là nhóm có thể quan tâm. Ngoài ra, giá lúa gạo thế giới và Việt Nam đang tiếp tục tăng giá giúp cổ phiếu ngành gạo bứt phá…

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *