Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2023 diễn biến tương đối thuận lợi. Chỉ số VN-Index tăng tốc phục hồi trở lại, dễ dàng chinh phục các ngưỡng kháng cự lớn. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng giữ vững phong độ, thường xuyên trên 15.000 tỷ đồng/phiên và những phiên giao dịch khớp lệnh tỷ đô dần xuất hiện trở lại.
Môi trường lãi suất thấp là yếu tố căn cơ giúp chứng khoán trở nên hấp dẫn đáng kể so với những kênh truyền thống như gửi tiết kiệm hay vàng. Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô trong nước ổn định cũng như chính sách điều hành hiệu quả của Nhà nước giúp triển vọng tăng trưởng các nhóm ngành kinh tế trở nên tươi sáng. Dòng tiền rậm rịch trở lại chứng khoán, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân. Ba tháng gần nhất số tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội đều trên 100.000, cao hơn đáng kể giai đoạn trầm lắng trước đó.
Tuy nhiên, chưa đầy một tháng kể từ thời điểm vượt mốc 1.200 điểm, thị trường bất ngờ trở nên kém tích cực. VN-Index ngắt chuỗi 6 tuần liên tiếp tăng điểm, quay đầu giảm hơn 54 điểm trong tuần 14-18/8 xuống dưới ngưỡng 1.178 điểm. Đây là mức giảm về điểm số theo tuần lớn nhất trong vòng 10 tháng, kể từ tuần 3-7/10/2022 (-96 điểm).
Đáng nói, đà giảm trong tuần chủ yếu đến từ phiên cuối tuần khi VN-Index “rơi tự do” hơn 55 điểm với sắc đỏ và xanh lơ ngập tràn bảng giá, thanh khoản lập kỷ lục với 1,65 tỷ cổ phiếu khớp lệnh. Chỉ một phiên điều chỉnh nhưng đã đánh bay toàn bộ thành quả gần 5 tuần, VN-Index rơi về dưới ngưỡng 1.180 điểm, tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên tương đối thận trọng.
Với tuần giảm sâu, mức biến động của VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán có biến động tiêu cực nhất trên thế giới trong tuần giao dịch vừa qua. Vốn hoá HoSE mất khoảng 220.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường Trung tâm phân tích DSC, đà giảm của thị trường xuất phát từ ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, định giá không còn rẻ. Sau đà phục hồi rất mạnh từ tháng 11/2022 tới nay, P/E của VN-Index đã lên ngưỡng 14,5 lần. Đáng nói một nửa giá trị LNST của VN-Index đến từ nhóm ngân hàng. Do đó loại trừ đi nhóm này, định giá các ngành còn lại khoảng 20 lần. Khi định giá thị trường ở mức cao, rủi ro rung lắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thứ hai, triển vọng vĩ mô chưa khả quan. Chứng khoán là câu chuyện của kỳ vọng. Trong giai đoạn thị trường tăng mạnh vừa qua, câu chuyện về nền kinh tế phục hồi vào giai đoạn cuối năm được rất nhiều nhà đầu tư chia sẻ. Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi vào cuối năm đang là bài toán khó chưa có lời giải. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao sẽ có khả năng chịu ảnh hưởng lớn từ chu kì kinh tế của các đối tác lớn (Mỹ, EU, TQ) hay rủi ro lạm phát Mỹ tăng cao trở lại.
Trong khi đó, dù được kỳ vọng lớn song nền kinh tế Trung Quốc chưa phát ra những tín hiệu phục hồi rõ rệt. Do đó, triển vọng để Việt Nam phục hồi kinh tế ngay trong năm 2023 hay đầu 2024 tương đối gập ghềnh.
Thứ ba là á p lực chốt lời . Trong bối cảnh nhà đầu tư đã trở lại thị trường rất mạnh mẽ, việc sử dụng vốn margin đã hồi phục rất mạnh. Trong quý 2/2023, dư nợ cho vay tại các CTCK đã tăng lên 150 nghìn tỷ. Do đó mỗi khi thị trường xảy ra rung lắc, không tránh khỏi tình trạng nhiều nhà đầu tư muốn chạy khỏi thị trường và chốt lời mạnh. Thậm chí nếu tình trạng điều chỉnh mạnh tiếp tục xảy ra còn có khả năng dẫn đến hiện tượng “margin-call”.
Chuyên gia tới từ DSC khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua mới trong ngắn hạn. Một khi thị trường đã chỉnh mạnh, quán tính để tiếp tục điều chỉnh là cao, vì vậy không nên tham gia các trò chơi “bắt dao rơi” mạo hiểm. Thay vào đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh chờ cơ hội.
Theo ông Hiệp, thị trường điều chỉnh không hẳn lúc nào cũng xấu. Với tỷ trọng tiền mặt lớn, nhà đầu tư có thể chờ đợi các điểm cân bằng của thị trường để giải ngân mua thêm các cổ phiếu giá rẻ để đầu tư dài hạn.
Để lại một phản hồi