Đạn chùm Mỹ giúp Ukraine giữ đà phản công

Chiến dịch phản công của Ukraine, bắt đầu từ tháng 6, gặp nhiều khó khăn vì những bãi mìn dày đặc trước phòng tuyến Nga, cùng hỏa lực vượt trội từ pháo binh, trực thăng vũ trang đối phương. Chiến thuật xung kích bằng xe tăng và xe bọc thép phương Tây cũng bế tắc trước phòng tuyến nhiều lớp của Nga.

Song với sự xuất hiện của đạn chùm Mỹ, quân đội Ukraine giờ đây có thể tấn công lực lượng Nga co cụm trong công sự, chiến hào, cũng như đội hình xe tăng, thiết giáp đối phương, nhằm mở đường cho bộ binh tiến lên.

Đạn chùm phát tán hàng trăm đến hàng nghìn quả đạn con trên diện rộng để tiêu diệt sinh lực và phương tiện đối phương. Nó được đánh giá là không thể thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường, song lính Ukraine nói rằng loại vũ khí này đã giúp họ giành lại nhiều vị trí của Nga và tiếp cận gần hơn với phòng tuyến đối phương.

Trận đánh hồi cuối tháng 7 bên ngoài làng Robotyne ở thành phố Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, đã cho thấy hiệu quả của loại vũ khí mới.

Trong trận chiến, một trung đội Ukraine bị pháo binh Nga chế áp ở phía đông ngôi làng. Đơn vị liên lạc với cấp trên xin được rút lui, song chỉ huy lại yêu cầu họ tìm nơi ẩn nấp. Vài phút sau, đạn chùm được phóng qua đầu họ. Một binh sĩ trong trung đội kể rằng anh nghe thấy âm thanh như tiếng mưa, sau đó là sự hỗn loạn trên các kênh liên lạc vô tuyến của Nga.

“Lính Nga hét lên trên bộ đàm: ‘Chúng ta có rất nhiều người bị thương. Chúng ta cần rút lui'”, binh sĩ Ukraine kể, thêm rằng trung đội của họ sau đó tiến công để chiếm vị trí mà lực lượng Nga bỏ lại.

Tuy nhiên, binh sĩ Ukraine thừa nhận họ vẫn phải đối mặt với thách thức rất lớn.

“Đạn chùm rất tốt. Chúng rất hiệu quả, song lực lượng Nga phòng thủ rất quyết liệt và thích ứng với tình hình rất nhanh”, đại úy Anatoliy Kharchenko, chỉ huy một đơn vị trinh sát Ukraine, nói.

Kharchenko cho biết chiến hào của Nga có thể sâu tới hơn hai mét và lực lượng của họ cũng được phân tán mỏng hơn để tránh tổn thất lớn vì đạn chùm.

Binh sĩ Ukraine trên chiến trường gần Bakhmut. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine trên chiến trường gần Bakhmut. Ảnh: Reuters

Ukraine tới nay vẫn chưa tiếp cận được tuyến phòng thủ chính của Nga, với mạng lưới chiến hào, rào chống tăng và nhiều chướng ngại vật khác. Chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine có thể sẽ cần tung ra lượng lớn xe tăng Leopard 2 và xe bọc thép phương Tây để tạo mũi đột kích, xuyên thủng lớp phòng thủ này.

Sau khi hứng chịu tổn thất nặng nề vì những bãi mìn của Nga hồi đầu tháng 6, quân đội Ukraine đã đổi chiến thuật để bảo toàn xe tăng, thiết giáp phương Tây. Họ từ bỏ cách đánh xung kích, đưa bộ binh rời xe bọc thép để dò gỡ mìn, mở đường tiến công. Các chỉ huy Ukraine tin rằng chiến thuật này giúp họ có cơ hội tạo đột phá.

Trong trận đánh tuần trước, trung đội 16 người của binh nhì Oleksandr tiến công vào lực lượng Nga ẩn nấp dưới một rặng cây, nhưng hứng chịu hỏa lực súng máy dữ dội và phải lùi lại. Ngay sau đó, lực lượng Ukraine bắn đạn chùm bắn về phía chiến hào Nga, khiến những bụi cây và bãi cỏ rậm rạp trước hàng cây bốc cháy.

Khi mở đợt tiến công tiếp theo, trung đội của Oleksandr đã có thể nhìn rõ lính Nga, khi họ không còn những bụi cây để ẩn nấp. Đơn vị của anh nhanh chóng chiếm được hàng cây, hạ 12 lính Nga và bắt một số tù binh, trong đó một số người bị bỏng vì đạn chùm.

“Sau ba loạt đạn chùm, toàn bộ rặng cây đổ xuống”, anh nói, thêm rằng loại đạn này có thể gây thiệt hại trên diện rộng mà không cần phải ngắm bắn chính xác vào mục tiêu.

“Ngay cả khi bạn bắn chệch một chút, nó vẫn hiệu quả”, Oleksandr cho hay.

Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói rằng Mỹ đã quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine trong bối cảnh kho vũ khí của phương Tây đang dần cạn kiệt đạn pháo 155 mm, loại đạn chủ lực trong các đợt tấn công trước đây của Kiev. Ông cho rằng đạn chùm hiệu quả hơn và phù hợp hơn với một đội quân đang bị áp đảo về số lượng như Ukraine hiện nay.

“Một trong những cách đối phó với lực lượng đông đảo của đối phương là sử dụng loại đạn có khả năng phân tán trên diện rộng này. Bộ binh đối phương sẽ hứng chịu tổn thất lớn ngay cả khi ẩn nấp trong chiến hào không được che chắn”, ông nói.

Đạn chùm khi phát nổ sẽ rải đạn con trên khu vực rộng lớn, đôi khi bằng sân bóng đá. Những quả đạn con này có thể rơi xuống mọi ngóc ngách trong hầm hào, công sự, tiêu diệt bộ binh ẩn nấp trong đó, điều mà các loại hỏa lực pháo binh khó có thể làm được.

Các video trên mạng xã hội gần đây cho thấy lính Nga bị nhiều vết thương sau các cuộc tấn công bằng đạn chùm của Ukraine. Hodges nói rằng đạn chùm cũng phù hợp với những thay đổi chiến thuật gần đây của Ukraine, đó là nhắm mục tiêu vào các khẩu đội pháo binh Nga.

“Chúng có thể phá hủy những khẩu pháo, miễn là họ có thể tiếp cận đủ gần”, ông nói.

Cách thức hoạt động của đạn chùm. Bấm vào hình để xem chi tiết

Cách thức hoạt động của đạn chùm. Bấm vào hình để xem chi tiết

Hơn 100 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng loại vũ khí này. Quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine của Mỹ đã vấp chỉ trích nặng nề của nhiều nhóm hoạt động nhân đạo. Không phải tất cả đạn con đều phát nổ ngay sau khi phóng ra từ đạn mẹ, mà chúng có thể suốt nhiều năm và gây thương vong cho dân thường sau khi chiến sự kết thúc.

Song lính bộ binh Oleksandr Pershin cho hay trong những trận đánh trên cánh đồng phía đông Robotyne, khả năng rải đạn con trên diện rộng của đạn chùm là “rất quý giá”. Chúng phá hủy và phạt ngang cây cối, khiến lính Nga không còn chỗ ẩn nấp. “Tất cả đã bị phá hủy, phần lớn nhờ đạn chùm”, Pershin nói.

Một lính pháo binh Ukraine cho biết đạn chùm hiệu quả nhất khi khai hỏa trên các cánh đồng rộng lớn, nhưng chúng không phải loại vũ khí tạo đột phá và Ukraine vẫn cần nhiều loại pháo cho những tình huống chiến đấu khác nhau.

Cục diện chiến trường miền nam Ukraine tính tới 6/8. Đồ họa: WSJ

Các lớp phòng tuyến Nga ở mặt trận miền nam Ukraine. Đồ họa: WSJ

Pershin cho biết khi chiếm được trận địa đầu tiên của Nga nhờ đạn chùm, đơn vị của anh tìm cách phát triển đà tiến, nhưng vấp phải hỏa lực quá mạnh từ phòng tuyến thứ hai, trong lúc các khẩu pháo khai hỏa đạn chùm chưa thể tiến lên vị trí mới. Cuối cùng, họ được lệnh đào hào để củng cố vị trí vừa giành được.

Một quả rocket Nga rơi xuống gần chỗ Pershin đang đào hào, khiến anh bị thương và phải chuyển về tuyến sau điều trị. Trong số 60 người lính của đơn vị anh tham gia trận đánh hôm đó, 45 người đã chết hoặc bị thương vì hỏa lực pháo binh Nga.

Thanh Tâm (Theo WSJ)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*