Nghị sĩ Mỹ nói Ukraine muốn nhận bom chùm để gắn lên UAV

Nghị sĩ Jason Crow và Adam Smith, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ngày 7/3 nói Ukraine đang hối thúc Mỹ chuyển giao bom chùm Mk-20 để cải hoán, lấy những quả bom con bên trong trang bị cho máy bay không người lái (UAV).

Theo nghị sĩ Crow và Smith, các quan chức Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức hồi tháng 2 đã đề nghị các đồng nghiệp Mỹ “gây sức ép” để Nhà Trắng chấp thuận chuyển giao bom chùm Mk-20. Ukraine hy vọng những quả bom nhỏ lấy từ ruột Mk-20 khi được gắn trên UAV sẽ mang lại lợi thế cho họ trong giao tranh với Nga ở vùng Donbass.

Smith cho hay quân đội Ukraine tin rằng các loại bom, đạn chùm có khả năng xuyên giáp tốt hơn những loại đạn khác mà họ thả từ UAV. Còn nghị sĩ Crow cho biết có thể ủng hộ chuyển bom chùm Mk-20 nếu Ukraine đảm bảo rằng sẽ tháo rời và dùng từng quả bom nhỏ bên trong.

Bom chùm Mk-20 trên cường kích A-7E tại căn cứ Patuxent River, bang Maryland, Mỹ tháng 5/1984. Ảnh: US Navy.

Bom chùm Mk-20 trên cường kích A-7E tại căn cứ Patuxent River, bang Maryland, Mỹ tháng 5/1984. Ảnh: US Navy.

Các nghị sĩ Mỹ cho biết ngoài bom chùm, Ukraine còn muốn được cung cấp Đạn Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM) M80, loại đạn chùm cỡ 155 mm của Mỹ, để ngăn những đợt tiến công liên tiếp của Nga ở thành phố Bakhmut. Mỗi quả đạn DPICM có thể mang theo 88 đạn con, tạo sức sát thương trên quy mô lớn với bộ binh.

Crow phản đối cung cấp DCIPM cho Ukraine, do những quả đạn con bên trong có thể không phát nổ trong nhiều năm, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khoảng 174.000 km2, tương đương gần 1/3 diện tích Ukraine, đang có bom mìn hoặc vật liệu nổ sót lại.

Ukraine chưa bình luận về thông tin của hai nghị sĩ Mỹ. Nước này từng công khai tuyên bố muốn nhận bom chùm của Mỹ, song chưa đề cập cụ thể loại khí tài.

Từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022, Ukraine đã đề nghị Mỹ chuyển nhiều loại vũ khí, trong đó có pháo phản lực HIMARS, tên lửa phòng không Patriot và xe tăng chủ lực M1 Abrams. Mỹ ban đầu từ chối, song sau đó đồng ý viện trợ cho Ukraine những loại vũ khí này.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ nhận định bom chùm có thể là bước đi quá xa đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden và quốc hội. Những người phản đối chuyển bom chùm cho Ukraine giải thích những quả bom con sót lại có thể gây thương tật hoặc tử vong với dân thường nhiều năm sau khi chiến sự kết thúc.

Bom Mk-20 nặng 222 kg, bên trong chứa 247 bom con Mk-118. Sau khi được thả từ máy bay, bom Mk-20 sẽ tách vỏ, rải số bom con bên trong xuống dưới và tạo ra vùng sát thương lớn. Mỹ dừng sản xuất Mk-20 từ nhiều năm trước, song vẫn trữ loại bom này trong kho vũ khí.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến sự Nga – Ukraine. Đồ họa: WP.

Nguyễn Tiến (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*