Trong bối cảnh VN-Index tăng mạnh về cả điểm số lẫn thanh khoản, qua đó vượt xa mốc cản 1.200 điểm, nhà đầu tư cá nhân “lỡ sóng” liệu có nên tham gia vào thời điểm hiện tại là thắc mắc chung của nhiều người.
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” diễn ra chiều ngày 8/8, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng nhà đầu tư mới tham gia ở thời điểm này sẽ có những rủi ro nhất định.
Thị trường đã tăng 23% trong 7 tháng đầu năm mà tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm giảm 10%, cho cả năm 2023 các dự báo đều cho thấy tăng trưởng khá thấp thậm chí không có tăng trưởng. “Rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân chính là khi họ đi theo dòng tiền và giải ngân ồ ạt vào những cổ phiếu không có giá trị cơ bản”, bà Phương cho hay.
Tuy vậy, trong rủi ro vẫn sẽ tồn tại cơ hội và cơ hội của thị trường nằm ở 2 khía cạnh. Thứ nhất là định giá thị trường đắt hay rẻ và thứ hai là sự hồi phục lợi nhuận của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm.
Về định giá , giả định chứng khoán thường phản ánh trước bức tranh doanh nghiệp trong 6 tháng, P/E toàn thị trường cho năm 2023 đạt khoảng 15, 16 lần tiệm cận P/E trung bình của thị trường chứng khoán trong nhiều năm, tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp những năm đó đạt từ 15% đến 20%.
Bà Phương cũng lưu ý rằng nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng, P/E thị trường hiện đang ở mức 21 lần, tương đương các giai đoạn bùng nổ về dòng tiền, tức là khi dòng tiền tăng ‘nóng’ như quý 1/2018 và quý 2/2021.
“Ở một góc nhìn khác, dòng tiền đang đổ nhiều vào nhóm cổ phiếu penny và smallcap khiến định giá cả thị trường tăng gấp đôi định giá nhóm VN30 gây ra sự lệch lạc nhất định. Nhà đầu tư không nên nhìn vào P/E thị trường chung để quyết định đầu tư bởi nó không mang nhiều ý nghĩa”, giám đốc Đầu tư Vinacapital nhận định.
Trong từng giai đoạn thị trường, định giá của từng doanh nghiệp trong cùng một nhóm ngành cũng có sự khác nhau. Điển hình như nhóm chứng khoán năm 2021, tất cả công ty chứng khoán đều được định giá lại do đạt lợi nhuận cao, dòng tiền ồ ạt vào thị trường. Song năm 2018 cũng là khi thị trường tăng mạnh nhờ dòng tiền khối ngoại, chỉ có 2 CTCK lớn chuyên về mảng khách hàng nước ngoài có định giá cao.
Một ví dụ khác với cổ phiếu FPT, năm 2018 khi nhóm VN30 tăng nóng, cổ phiếu này chỉ được định giá là 9-10 lần. Nhưng sang 2020 đã có sự định giá lại FPT khi đạt tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong 5 năm qua, khiến P/E cổ phiếu này tăng từ 10 lần lên 15 lần.
Về khía cạnh hồi phục lợi nhuận của doanh nghiệp , chuyên gia VinaCapital cho biết cần nhìn vào từng doanh nghiệp sẽ thấy được bức tranh phân hóa. Dễ thấy nhất ở khối sản xuất, tình hình xuất khẩu đâu đó đã có dấu hiệu phục hồi, dù kết quả kinh doanh quý 2 vẫn còn xấu nhưng yếu tố bên ngoài ở một số khối đã có sự tăng trưởng trở lại.
Bà Phương chia sẻ rằng chiến lược đầu tư của quỹ xoay quanh việc quản trị rủi ro. Là một nhà đứng đầu quỹ đầu tư, vị chuyên gia sẽ quan tâm tới việc nhiều doanh nghiệp sản xuất đã cắt giảm lao động hay đóng cửa nhà máy, khi khởi động lại có khả năng thực hiện liền những đơn hàng kia không.
Trong một môi trường đầu tư mới như hiện nay, bà Hoài Phương đưa ra quan điểm rằng nhà đầu tư sẽ phải có chiến lược rất khác biệt so với năm trước. Đó là sự linh hoạt theo những biến động và sự kiện thị trường. Không chỉ các nhà đầu tư mà kể các doanh nghiệp sản xuất, thay vì áp dụng chiến lược “just in time” là đề cao hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược “just in case” nhìn tới sự linh hoạt để đối phó với thị trường.
Để lại một phản hồi