Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch khá giằng co khi tiếp cận vùng cản cao 1.250 điểm. Dù vậy, những nỗ lực từ nhóm cổ phiếu trụ đã giúp VN-Index quay lại trạng thái tăng điểm. Kết tuần giao dịch 7-11/8, VN-Index đóng cửa tại 1.232,21 điểm, tăng 6,23 điểm, tương đương 0,51% so với tuần trước. Thanh khoản trên HoSE tiếp tục được duy trì ở mốc cao, giá trị khớp lệnh trung bình đạt 20.700 tỷ đồng.
Đưa ra dự báo về xu hướng thị trường tuần tới, đa số chuyên gia đều thống nhất khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi lên, song sẽ gặp áp lực tại vùng cản mạnh.
Vùng trống thông tin, cơ hội sinh lời trở nên “chắt lọc”
(Ông Tô Quốc Bảo – Trưởng nhóm chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán Dầu khí PSI)
Việc thị trường gặp những phiên điều chỉnh rung lắc mạnh trong tuần qua là hoàn toàn bình thường khi chỉ số đã liên tục tăng nóng trong thời gian vừa rồi, và nhịp điều chỉnh có thể còn tiếp diễn.Nhờ đó, VN-Index có thể rũ bỏ các dòng tiền ngắn hạn không bền vững và tích lũy thêm tại vùng cân bằng mới trước khi có nhịp tăng tiếp theo.
Vị chuyên gia PSI đánh giá đà tăng của chỉ số VN-Index diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về sự hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu. Điển hình, Trung Quốc có thể đưa ra thêm gói kích thích và Fed sắp chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất cùng với các chính sách hạ lãi suất điều hành nhằm kích thích nền kinh tế của NHNN Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường đang bước vào giai đoạn chọn lọc. Tháng 8 là thời điểm chứng khoán Việt Nam rơi vào ‘khoảng lặng’ khi kết quả kinh doanh quý 2, cũng như nửa đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết phần lớn đã được công bố. ” Thị trường vẫn còn nhiều cơ hội về trung – dài hạn nhưng rủi ro ngắn hạn đã bắt đầu xuất hiện. Cơ hội sinh lời sẽ trở nên chắt lọc hơn khi thị trường đã tăng nóng liên tiếp trong một thời gian dài “, ông Bảo cho hay.
Đánh giá về một số yếu tố vĩ mô có thể tác động tới thị trường chứng khoán, ông Bảo cho biết khi các chính sách hỗ trợ đã được đưa ra mà bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự chuyển biến (tăng trưởng GDP chậm, chỉ số PMI có tháng thứ 5 liên tiếp dưới mốc 50 điểm) cho thấy sự phục hồi kinh tế vẫn còn chậm, chính sách hỗ trợ cần thêm thời gian thẩm thấu. Thêm vào đó, các rủi ro liên quan tới tình hình vĩ mô quốc tế như việc FED vẫn đang duy trì việc thắt chặt tiền tệ cùng giá dầu tăng cao trong tháng 7 vừa qua cũng sẽ có những ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước những thông tin Vinfast sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC ngày 15/8 tới đây, cổ phiếu ‘họ’ nhà VIN trong đó đặc biệt cổ phiếu VIC đã có những diễn biến tăng giá vô cùng tích cực khi chỉ trong 2 tuần cổ phiếu VIC đã tăng hơn 38% và là một trong những cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất tới chỉ số VN-Index. Có thể nói đây là một tin vui và tích cực đối với Tập đoàn Vingroup, còn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, việc chỉ số VN-Index được hưởng lợi và nâng đỡ từ nhóm cổ phiếu họ nhà VIN sẽ tiếp thêm động lực cũng như giúp các nhà đầu tư tự tin hơn trong đà tăng hiện tại của thị trường.
Với sự hỗ trợ của các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính phủ Việt Nam, những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong nửa cuối năm 2023 có thể kể tên bao gồm: nhóm Ngân hàng và Chứng khoán, nhóm Xây dựng và Vật liệu xây dựng, nhóm ngành Dầu khí, nhóm Nông nghiệp và Thực phẩm. Ngoài ra còn có thể kể tới nhóm ngành Công nghệ, Bán lẻ và Tiện ích.
Trong đó, nhóm Xây dựng và Vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công và hoạt động đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đặc biệt đối với nhóm Dầu khí, nhiều dự án lớn đang được kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, như các dự án Lô B – Ô Môn, dự án Kình Ngư Trắng, Lạc đà vàng…
Theo quan sát của chuyên gia PSI, trong thời điểm hiện tại khi các biến động thị trường trở nên mạnh hơn đi kèm những nhịp rung lắc, đầu tư lướt sóng là một cơ hội hấp dẫn giúp các nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận, thu hồi vốn nhanh chóng. Đi kèm với đó, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý, đặc biệt về tâm lý khi giao dịch, tránh mua đuổi và trở nên quá hưng phấn giải ngân toàn bộ để tránh những rủi ro tại các vùng điều chỉnh.
Cùng với đó, nhà đầu tư nên kiên trì chờ đợi các nhịp điều chỉnh phù hợp, có mục tiêu, chiến lược giải ngân hướng tới nắm giữ trung – dài hạn. Từ đây, xác định các cổ phiếu tiềm năng và sở hữu nền tảng cơ bản tốt đang được giao dịch ở dưới mức giá trị mà nhà đầu tư kỳ vọng. Nhờ đó, khi thị trường tăng, nhiều khả năng những cổ phiếu này cũng sẽ “đón sóng” tăng theo giúp gia tăng lợi nhuận.
Trạng thái giằng co thăm dò là chủ đạo
(Trần Hà Xuân Vũ, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư KHCN Chứng khoán Rồng Việt VDSC)
Trên góc nhìn của vị chuyên gia VDSC, thị trường giảm điểm tuần vừa qua, nguyên nhân chủ đạo do dòng tiền thận trọng khi VN-Index ghi nhận mức cao mới. Song, diễn biến này đơn thuần là nhịp điều chỉnh để hạ nhiệt thị trường do không có động thái bán tháo trong nhịp giảm và dòng tiền có động giá gia tăng trở lại khi VN-Index lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.215 điểm.
Với tín hiệu hiện tại vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng bền vững. Thị trường vẫn đang được hỗ trợ từ xu thế tăng tích cực trước đó nhưng cũng đã gặp nguồn cung chốt lời khá lớn tại vùng cản.
Trong tuần tới, thị trường có thể sẽ dần hồi phục để kiểm tra lại cung cầu tại vùng cản 1.240 – 1.245 điểm, đồng thời trạng thái giằng co thăm dò sẽ là chủ đạo. Tín hiệu trong lúc thăm dò sẽ quyết định xu thế tiếp theo của thị trường, như tín hiệu dòng tiền hấp thu cung hay thị trường xuất hiện phiên phân phối.
Đánh giá về thông tin niêm yết của Vinfast, ông Vũ cho rằng đây là điều tích cực giúp cổ phiếu VIC có sức tăng tốt và là trụ đỡ cho thị trường trong suốt 2 tuần gần đây. Việc Vinfast giao dịch từ 15/8 nhiều khả năng sẽ là động lực cho cổ phiếu VIC tiếp tục tăng điểm nhưng dư địa cũng không quá nhiều vì (1) các SPAC trong cùng ngành chỉ duy trì được đà tăng ngắn và giảm dần sau đó (2) cần lưu ý ngưỡng kháng cự trước mắt của cổ phiếu VIC ở vùng 74.000 – 75.000. Vì vậy, diễn biến của VIC sẽ có tác động tích cực 1-2 phiên lên thị trường sau khi Vinfast được niêm yết.
Hiện tại trạng thái phân hóa trên thị trường vẫn diễn ra mạnh do dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Dù vậy, cơ hội vẫn xuất hiện trên thị trường mặc dù thị trường tăng hay giảm. Về chiến lược, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ hoặc khai thác cơ hội tại các cổ phiếu có tín hiệu tốt của dòng tiền từ vùng nền tích lũy, tuy nhiên vẫn cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang có diễn biến suy yếu để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Vị chuyên gia CK Rồng Việt cũng đưa ra cái nhìn lạc quan tại nhóm Vật liệu xây dựng, nhóm Dầu khí, nhóm Ngân hàng, nhóm Phân bón, nhóm Khu công nghiệp, một số cổ phiếu trong nhóm Bất động sản.
Gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm
(Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT)
Theo quán sát của ông Hinh, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240-1.250 điểm trong tuần tới.
Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã qua đi, thị trường đang tiến vào vùng trống thông tin. Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới. Do đó, thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong một vài tuần tới.
Trong bối cảnh điểm số lĩnh xình, dòng tiền đầu cơ có thể liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng/điều chỉnh ngắn. Nhà đầu tư nên hạn chế bị cuốn theo những biến động ngắn hạn vì rủi ro đưa ra quyết định sai sẽ tăng lên khi liên tục đưa ra các quyết định trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo chuyên gia VNDirect, ở thời điểm hiện tại, đối với các nhà đầu tư có giá vốn thấp thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục, chỉ xem xét chốt lời đối với những cổ phiếu đã tăng nóng. Đối với những nhà đầu tư mới bán ra và đang nắm giữ tiền mặt cũng chưa cần thiết phải giải ngân mua lại ngay mà chờ các nhịp điều chỉnh trong tuần để giải ngân dần nhằm tạo lợi thế nhờ giá vốn cạnh tranh.
Để lại một phản hồi