Phiên giao dịch ngày 18/8 đã để lại nhiều nỗi lo cho nhà đầu tư với việc VN-Index giảm gần 55 điểm. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đến 2 tuần, thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc và tích cực hơn. VN-Index đã trở lại với xu hướng tăng ngắn hạn khi đóng cửa ngay trên đường MA20 ở phiên ngày 30/8.
Theo thống kê sau phiên ngày 30/8, số lượng cổ phiếu đóng cửa cao hơn giá mở cửa phiên ngày 18/8 đã đạt 142 mã, tương đương với gần 35% số mã đang giao dịch trên HOSE. Nếu nhìn rộng ra trên 2 sàn còn lại, tỷ lệ các mã có giá hồi phục mạnh cũng khá ấn tượng: HNX đạt 33% và UPCoM đạt 24,2%.
Với sàn có chuẩn mực niêm yết cao nhất cùng với thanh khoản vượt trội như HOSE, dòng tiền rõ ràng đã thể hiện sự khẩn trương trước khi thị trường đi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh sau phiên ngày 31/8.
Cũng theo thống kê, một số cổ phiếu còn đem lại lợi nhuận ấn tượng hơn 10% cho nhà đầu tư trên HOSE nếu mua vào ở ngay thời điểm đầu phiên ngày 18/8, đó là: CKG (+21,35%), CTR (+14,46%), FPT (+14,17%), ELC (+17,34%), FRT (+16,83%), ORS (+15,66%), SSI (+12,79%), DXG (+11,28%)… đều đã tăng hơn 10% so với giá mở cửa phiên ngày 18/8. Ngoài ra, một số cổ phiếu trụ như VNM (+5,85%), GAS (+3%) cũng xuất hiện trong danh sách 142 mã dù tỷ lệ sinh lời là thấp hơn.
Như vậy, cả về cơ cấu và xu hướng thị trường, nhà đầu tư có thể phần nào trút bỏ được những lo lắng về sự đột biến của phiên ngày 18/8. Nếu VN-Index có thể duy trì những vận động tích cực, tỷ lệ các mã hồi phục trên cả 3 sàn sẽ còn dày hơn sau quãng thời gian sau nghỉ lễ.
Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), ông Hoàng Công Tuấn gần đây cũng thường xuyên đưa ra những quan điểm tích cực dù thị trường đã xuất hiện phiên giảm sâu. Theo ông Tuấn, việc thị trường điều chỉnh là diễn biến hoàn toàn bình thường. Trong xu hướng đi lên, nhịp điều chỉnh “thứ cấp” vẫn có thể xuất hiện và thường diễn ra trong khoảng 1-2 tuần. Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp giảm và lựa chọn được các cổ phiếu với mức giá tốt.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng lưu ý về vận động của thị trường trước và sau các kỳ nghỉ lễ. Nếu thị trường có được xu hướng tích cực trước kỳ nghỉ thì có thể sẽ còn khả quan hơn sau khi trở lại. Tương tự, nếu xu hướng yếu thì kỳ nghỉ lại là nguyên nhân kéo dài trạng thái sẵn có.
Để lại một phản hồi