Theo trang tin Sixth Tone, trong khi lũ lụt lịch sử ở các khu vực phía Bắc của Trung Quốc đã tàn phá cuộc sống của hàng triệu người và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, thì một ngành tưởng chừng không liên quan đã bị ảnh hưởng nặng nề: sách.
Kể từ cuối tháng 7, trung tâm xuất bản lớn Trác Châu ở tỉnh Hà Bắc là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Bắc Trung Quốc. Lũ lụt đã gây thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ nhân dân tệ (CNY, 1,38 tỷ USD) cho ngành sách sau khi nước lũ làm hư hại hàng trăm kho xuất bản ở đó.
Sound on Paper – một chuỗi cửa hàng sách có tuổi đời 27 năm ở Bắc Kinh – đã chịu thiệt hại hơn 10 triệu CNY (1,4 triệu USD) sau khi lũ lụt tràn vào nhà kho của họ ở Trác Châu.
Nhà kho của Sound on Paper có tổng diện tích 2.000 m2, trị giá khoảng 120 triệu CNY (16,6 triệu USD), nước lũ tràn vào nhà kho vào ngày 1/8 và mực nước nhanh chóng dâng lên 2 m, chưa đến 1/5 số sách trong kho được trục vớt, Yan Bing – người sáng lập Sound on Paper – nói với Sixth Tone.
Lũ lụt ở Trác Châu đã rút trong vài ngày qua, cho phép các nhà xuất bản bắt đầu thống kê thiệt hại và chuyển đi những cuốn sách có thể cứu vãn được. Chính quyền địa phương đã công bố vào ngày 11/8 rằng, 29 người chết và 16 người mất tích trong tỉnh.
Trang Sixth Tone dẫn lời giám đốc điều hành một công ty bảo hiểm cho biết, các công ty bảo hiểm có thể không cung cấp dịch vụ bảo hiểm độc lập cho sách vì “nguy cơ lũ lụt và hỏa hoạn quá cao”, hoặc phí bảo hiểm sẽ rất cao nếu có bảo hiểm.
Yan không đóng bảo hiểm cho nhà kho của mình. Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sách, ông chưa bao giờ chứng kiến một thảm họa nào ở quy mô lớn như vậy trước đây.
“Các hiệu sách của chúng tôi gắn liền với nhà kho của chúng tôi. Nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ dẫn đến chậm trễ trong việc giao hàng và bổ sung sách cho từng cửa hàng”, Yan nói.
“Có thể vượt qua đại dịch nhưng lần này khó hơn nhiều”
Một nhân viên của Công ty Xuất bản Nhân dân Thượng Hải tên là Ding nói với Sixth Tone rằng, Trác Châu có một số kho xuất bản lớn nhờ vị trí gần Bắc Kinh – nơi đặt trụ sở của các nhà xuất bản lớn. “Để tiết kiệm chi phí hậu cần và lưu trữ, họ đặt một lượng sách đáng kể ở các vùng nông thôn gần Bắc Kinh”.
Yan đã chuyển nhà kho của mình từ Bắc Kinh đến Trác Châu vào năm 2019 để tiết kiệm chi phí. Nhà kho của ông, cũng như các đơn vị bán sách lớn, chẳng hạn như BooksChina và CNTIME, đều nằm ở thị trấn Mã Đầu – một trong những khu vực bị lũ lụt tàn phá nặng nề nhất ở Trác Châu.
Trong một bài đăng trên nền tảng tiểu blog Weibo vào ngày 2/8, BooksChina – một trong những đơn vị bán sách trực tuyến lớn nhất Trung Quốc – cho biết, khoảng 80% kho sách ở Trác Châu, tương đương hơn 4 triệu cuốn sách trị giá hơn 300 triệu CNY (41,4 triệu USD), đã bị lũ lụt làm hư hại. Nhiều trong số này là những cuốn sách hiếm và không còn xuất bản.
Theo trang tin Sixth Tone, không có bảo hiểm, một số nhà xuất bản đang cố gắng bán những cuốn sách không bị hư hại của họ để gây quỹ trong giai đoạn khó khăn này. Vào ngày 4/8, nền tảng thương mại điện tử Taobao đã phát động một chiến dịch có tên “Tôi đang mua một cuốn sách cho Trác Châu”. Hơn 117 đơn vị bán sách đã tham gia chiến dịch, trong đó BooksChina đã bán được hơn 10.000 gói sách tính đến ngày 11/8.
Hội chợ sách Thượng Hải, sẽ khai mạc vào ngày 16/8 tới, đã thông báo rằng họ sẽ quyên góp 1 CNY (33.000 VNĐ) trên mỗi vé bán ra cho các nhà xuất bản bị ảnh hưởng và cũng sẽ tổ chức các sự kiện gây quỹ.
Yan đã bán các gói sách của mình, bao gồm 5 cuốn sách mới và 1 túi vải, với giá 99 CNY (325.000 VNĐ). Gói sách hiện là sản phẩm duy nhất trên cửa hàng trực tuyến của Sound on Paper. Mặc dù các gói sách của ông không liệt kê rõ sẽ bao gồm những cuốn sách nào, nhưng gần 2.000 người đã mua chúng.
Yan cho biết, doanh số bán sách theo gói này có thể giúp ông giảm bớt gánh nặng tài chính, nhưng có thể không đủ để cứu vãn hoàn toàn hoạt động kinh doanh của ông.
Yan nói: “Đối với chúng tôi, rất khó để quay trở lại vị thế trước đây vì không còn bất kỳ khoản tiền nào. Chúng tôi có thể vượt qua đại dịch, nhưng lần này khó hơn nhiều”.
Để lại một phản hồi