Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/8 gửi thông báo tới tòa sơ thẩm liên bang tại Florida, tuyên bố không nhận tội với ba cáo buộc mới trong vụ tài liệu mật tại dinh thự Mar-a-Lago. Ông dự kiến ra tòa tại Florida vào tháng 5/2024 với tổng cộng 6 cáo buộc về lưu giữ trái phép hồ sơ mật và cản trở công lý.
Ông cũng phải ra tòa tại Manhattan, New York vào tháng 3/2024 trong vụ truy tố khác liên quan 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Cựu tổng thống cũng sẽ bị xét xử tại tòa án liên bang ở Washington với cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.
Trong thư gây quỹ hôm 2/8, Trump cho hay nếu bị tuyên có tội với các cáo buộc trên, ông sẽ “đối mặt với án tù tổng cộng 561 năm”. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ngay cả khi bị tuyên có tội tại tòa, ông Trump có thể không phải ngồi tù ngày nào, do điều luật quy định các cựu tổng thống Mỹ được Sở Mật vụ bảo vệ trọn đời.
Đây là chính sách được áp dụng với các cựu tổng thống Mỹ kể từ năm 1965. Chỉ có cựu tổng thống Richard M. Nixon từ bỏ đặc quyền này nhằm tiết kiệm chi phí cho chính quyền 11 năm sau khi ông từ chức.
Nếu ông Trump bị kết án và không từ bỏ đặc quyền này, giới chức Mỹ sẽ đối mặt câu hỏi phức tạp về mặt chính trị và hậu cần liên quan đến việc liệu các nhân viên mật vụ có nên được cử vào nhà tù để bảo vệ cựu tổng thống, hay tìm giải pháp khác để hạn chế quyền tự do của ông, như quản thúc tại gia thay vì kết án tù.
Mary McCord, trợ lý bộ trưởng tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia trong chính quyền tổng thống Barack Obama, cho hay ông Trump đã đặt ra những thách thức chưa từng có với Bộ Tư pháp.
Việc đưa ra hình phạt với một cựu tổng thống được Sở Mật vụ bảo vệ đòi hỏi các cuộc thảo luận sâu rộng và điều chỉnh quy định, “bởi nếu ông Trump phải ngồi sau song sắt, đây thực sự sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống nhà tù”.
Câu hỏi cũng là vấn đề hóc búa tại chính Sở Mật vụ Mỹ. Khi được hỏi liệu một cựu tổng thống có tiếp tục được bảo vệ khi ngồi tù hay không, người phát ngôn của cơ quan Anthony Guglielmi cho biết họ “không thể bình luận hay phản hồi vì hiện tại không có chính sách hay quy trình nào như vậy”.
Các nhân viên mật vụ nói rằng khi luật chưa thay đổi, Sở Mật vụ vẫn sẽ phải đảm bảo biện pháp bảo vệ 24/7 nếu ông Trump phải ngồi tù. Họ nhiều khả năng vẫn duy trì ba ca trực mỗi ngày, với ít nhất một hoặc hai đặc vụ bảo vệ cựu tổng thống ở cự ly gần, ngay cả trong nhà tù.
“Trừ khi luật thay đổi hoặc cựu tổng thống từ bỏ quyền được bảo vệ, nếu không, Sở Mật vụ có lẽ vẫn phải duy trì đội ngũ đảm bảo an toàn cho cựu tổng thống theo thông lệ lâu nay”, Jonathan Wackrow, cựu nhân viên mật vụ và hiện là giám đốc điều hành công ty tư vấn truyền thông Teneo Risk, nói.
Việc cử mật vụ vào nhà tù bảo vệ cựu tổng thống sẽ đặt ra nhiều vấn đề về cách thức phối hợp với giới chức quản lý trại giam, nhằm đảm bảo không phát sinh xung đột về nhiệm vụ hoặc cách họ xử lý các trường hợp khẩn cấp, cũng như hoạt động di chuyển thông thường của cựu tổng thống trong nhà tù.
Cục Quản lý Nhà tù thuộc Bộ Tư pháp từ chối cho biết liệu các cựu tổng thống được Sở Mật vụ bảo vệ có thể bị tống giam hay không. Tuy nhiên, một phát ngôn viên cho hay các yếu tố luôn được cân nhắc gồm mức độ an ninh mà một tù nhân yêu cầu, những lưu ý về sức khỏe và “các biện pháp bảo vệ và cách ly để đảm bảo an toàn cho tù nhân”.
Một quan chức khác của Cục Quản lý Nhà tù thừa nhận rằng cơ quan này cũng đang ở vị thế tương tự Sở Mật vụ, thiếu chính sách hoặc quy trình xử lý kịch bản chưa từng có tiền lệ này. Những phức tạp về hậu cần và chính sách như vậy có thể ngăn các thẩm phán kết án tù với ông Trump nếu ông bị tuyên có tội.
“Các thẩm phán liên bang đều hiểu rằng bản án tù với ông Trump sẽ đặt ra những vấn đề hậu cần khổng lồ và chưa từng có”, Chuck Rosenberg, cựu công tố viên liên bang, cố vấn của cựu giám đốc FBI James Comey, nói. “Quản chế, phạt tiền, lao động công ích hay quản thúc tại gia đều là những lựa chọn thay thế”.
Nancy Gertner, thẩm phán liên bang đã nghỉ hưu kiêm giáo sư Trường Luật Harvard, cho hay tính chất phức tạp của điều kiện giam giữ có thể ảnh hưởng đến bản án của thẩm phán. Chẳng hạn, luật quy định thẩm phán có quyền xem xét các biện pháp ngoài án tù nếu nhận thấy bị cáo có nguy cơ bị lạm dụng trong trại giam.
Những yếu tố về chính trị và tính chất đặc biệt của vụ án cũng sẽ tác động tới phán quyết từ thẩm phán. Theo Gertner, các thẩm phán có thể tính tới bản án quản thúc tại gia với ông Trump, thay cho tuyên án tù.
Khi đó, Sở Mật vụ có thể phối hợp với Cục Quản lý Nhà tù thi hành biện pháp giám sát và bảo vệ ông Trump tại tư gia, như ở câu lạc bộ golf Bedminster của ông, khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hay bất cứ nơi nào khác.
“Ông Trump có phải ngồi tù hay không? Về lý thuyết là có, nhưng về mặt thực tiễn thì không”, cựu công tố viên Rosenberg nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Để lại một phản hồi