Nhà sáng lập tập đoàn SoftBank là Masayoshi Son từng nói rằng ông luôn đầu tư với tầm nhìn 300 năm. Tuy nhiên, bây giờ, vị tỷ phú dường như đang lo lắng về các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian 30 ngày tới.
Tình hình hiện tại thế này: Số phận của SoftBank sẽ phụ thuộc lớn vào việc có thực hiện thành công đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của nhà thiết kế chip Arm với mức định giá lên tới 60 tỷ USD ngay trong tháng tới hay không.
Một đợt IPO lớn và thành công sẽ cho phép Son khẳng định Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD của mình có cơ may sống tốt trong 300 tuần tới, chưa kể đến ba thế kỷ.
Nhưng tờ Forbes nhận định, có hai rủi ro lớn đang tồn tại ở đây. Đầu tiên là mức định giá khổng lồ của Arm có vẻ mang tính khát vọng hơn là nghiêm túc. Thứ hai là liệu đế chế tài chính của Son có thể ổn định được những gì họ muốn khi trở nên phình to hơn hay không.
Có nhiều lý do để cho rằng mức định giá từ 60 tỷ đến 70 tỷ USD là hơi cao. Những con số hấp dẫn này có thể khiến Arm trở thành công ty công nghệ IPO lớn nhất kể từ sau Tập đoàn Alibaba và Facebook, sau đó đổi tên thành Meta Platforms.
Bỏ qua thông tin rằng Arm đã gặp rắc rối trong quý gần nhất khi doanh số bán hàng giảm 11%. Tuy nhiên, nhu cầu về điện thoại thông minh chậm lại và hàng tồn kho hàng điện tử nói chung tăng cao khiến đây trở thành thời điểm đáng chú ý. Và cũng cần phải nhắc lại rằng, quỹ Vision của Son đã thua lỗ kỷ lục hơn 30 tỷ USD chỉ riêng trong năm ngoái.
Vấn đề là làm thế nào Arm phát triển mạnh trong vài năm tới. Trường hợp định giá tăng đối với Arm là bởi công ty này đang nằm ở trung tâm của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo sắp tới, là yếu tố then chốt cho khả năng của những gã khổng lồ công nghệ từ Alphabet, công ty mẹ của Google, Amazon đến Nvidia, trong việc cung cấp chip tiết kiệm năng lượng. Sức mạnh tính toán khổng lồ mà AI yêu cầu có thể khiến công nghệ như vậy ngày càng trở nên quan trọng.
Trong lúc các nhà đầu tư chờ đợi và hy vọng tương lai đó sẽ đến, dòng doanh thu của Arm phụ thuộc rất nhiều vào giấy phép, tiền bản quyền và lĩnh vực điện thoại thông minh đang mất dần vị thế. Khách hàng lớn nhất của đơn vị này là Arm China, công ty vốn đã bộc lộ một số dấu hiệu đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.
Câu hỏi thứ hai – liên quan đến tương lai của Quỹ Tầm nhìn – có thể là câu hỏi lớn nhất.
Qua nhiều năm, Son đã chứng tỏ mình là một “nhà ảo thuật”. Cú đánh lớn đầu tiên của ông là giúp hình thành đế chế Alibaba của Jack Ma với khoản đầu tư 20 triệu USD vào năm 2000. Khi Ma đưa gã khổng lồ thương mại điện tử của mình IPO vào năm 2014, cổ phần của SoftBank trị giá hơn 50 tỷ USD. Quỹ Vision Fund mà Son thành lập năm 2016 và 2017 là một nỗ lực để làm sao lặp lại thành công đó thêm nhiều lần nữa.
Nhưng mọi thứ dường như không theo kế hoạch. Kể từ đó, quỹ của Son đã đầu tư ít nhất 140 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp. Son nổi tiếng rót tiền không tiếc tay cho các startup mà ông cảm thấy tiềm năng. Sau đó là cuộc khủng hoảng Covid-19, cuộc đàn áp công nghệ của Trung Quốc và đợt thắt chặt mạnh mẽ nhất của Cục Dự trữ Liên bang trong gần 30 năm. Tất cả đã phá hủy bất kỳ phép thuật nào của Son.
Tất nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Một lý do khác khiến Son mất đi tiềm năng là một vụ cá cược tai hại vào WeWork. Nhiều người cho rằng, Son vốn là một nhà đầu tư kỳ cựu và ông hẳn đã nhìn thấu những lời “chém gió” của công ty chia sẻ văn phòng rằng họ được mệnh danh là Apple hoặc Facebook tiếp theo. Nhưng câu trả lời là không. Bản thân Son đã thừa nhận “sai lầm” khi đầu tư và WeWork. Ngoài ra, đầu tháng này, phía WeWork cũng tuyên bố họ “nghi ngờ đáng kể” về khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Vậy vụ IPO của Arm có phải là cơ hội để Son tái cơ cấu Quỹ Tầm nhìn và theo đuổi các thương vụ mới hay không?
Năm ngoái, tập đoàn của Son đã tìm mọi cách để “làm đẹp” bảng cân đối kế toán. Đầu tháng này, Yoshimitsu Goto, giám đốc tài chính, cho biết SoftBank đã tích lũy được lượng tiền mặt trị giá 42 tỷ USD. Tuy nhiên, một đợt IPO bất ngờ của Arm – nếu thành hiện thực – sẽ chẳng có ý nghĩa gì về lâu dài nếu không điều chỉnh lại mô hình đầu tư của Son. Rót hàng tỷ USD ra khắp mọi nơi với hy vọng có thể “trúng quả” ở đâu đó không phải là cách để tạo ra lợi nhuận ổn định.
Danh xưng “Warren Buffett của Nhật Bản” mà nhiều người dành cho Son giờ chỉ còn trong quá khứ. Tương tự như vậy, đã lâu rồi giới kinh doanh mới nhận thấy sự hài hước hoặc quyến rũ ở Son khi nói rằng ông thích được biết đến với cái tên “gã điên đặt cược vào tương lai”.
Với thành tích đạt được trong những năm gần đây, các nhà đầu tư sẽ hạnh phúc hơn khi nhìn thấy lợi nhuận ổn định và lành mạnh. Trong một khoảng thời gian, chính xác là vào năm 2018, Son đã nảy ra ý tưởng mua cổ phần của Swiss Re AG. Đó có thể là một động thái mang phong cách Buffett, thuộc loại tạo nền tảng cho Berkshire Hathaway.
Vấn đề là hiện nay vẫn chưa rõ tầm nhìn đầu tư thực sự của Son là gì. Đó là câu hỏi mà không một đợt IPO cụ thể nào có thể trả lời cho SoftBank hoặc các nhà đầu tư của họ.
Nguồn: Forbes
Để lại một phản hồi