Lý do Nga dồn lực tập kích sân bay trọng yếu của Ukraine

“Lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành đòn tấn công hiệp đồng bằng tên lửa tầm xa chính xác cao phóng từ tàu chiến và máy bay, nhằm vào các căn cứ không quân của đối phương ở khu vực Starokostiantyniv thuộc tỉnh Khmetnitsky và vùng Dubno ở tỉnh Rivne đêm 6/8”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.

Serhiy Tiurin, phó thống đốc tỉnh Khmelnytskyi ở miền tây Ukraine, xác nhận quân đội Nga đã tấn công sân bay Starokostiantyniv, gây ra loạt vụ nổ. Phát ngôn viên không quân Ukraine Yury Ignat cũng cho biết một trong những mục tiêu chính của cuộc tấn công là sân bay Starokostiantyniv, mô tả địa điểm này là “nỗi ám ảnh” của lực lượng Nga.

Một đám cháy lớn tại Starokostiantyniv sau đòn không kích của Nga đêm 6/8. Ảnh: Reuters

Đám cháy lớn tại Starokostiantyniv sau đòn không kích của Nga đêm 6/8. Ảnh: Reuters

Sân bay Starokostiantyniv từng nhiều lần hứng chịu các đòn tập kích quy mô lớn của Nga, do đây là căn cứ chủ chốt của không quân Ukraine và là điểm đóng quân của phi đội cường kích Su-24 trang bị tên lửa dẫn đường Storm Shadow/SCALP-EG cho Anh và Pháp viện trợ.

Đòn tập kích sân bay Starokostiantyniv đêm 6/8 được chia thành ba đợt, sử dụng 67 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát. Mở đầu là tên lửa hành trình Kh-101/555 phóng từ oanh tạc cơ Tu-95MS, kết hợp với tên lửa đạn đạo Iskander-M. Đợt thứ hai huy động tên lửa hành trình Kalibr và UAV Geran-2, trong khi đòn kết thúc sử dụng nhiều tên lửa tàng hình Kh-101.

“Đây được cho là đòn tập kích tên lửa lớn nhất nhằm vào một mục tiêu đơn lẻ tại Ukraine. Dường như mục tiêu là cơ sở hậu cần và kho chứa tên lửa, cũng như nhà chứa máy bay Su-24 tại sân bay. Nga hiểu rõ mối đe dọa từ tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG, khiến họ quyết tâm phá hủy Starokostiantyniv”, Vijainder Thakur, cựu sĩ quan không quân Ấn Độ, nhận định.

Hình ảnh được công bố cho thấy lực lượng cứu hỏa đang tìm cách dập lửa tại khu vực Starokostiantyniv, nhưng không rõ có phải trong sân bay hay không.

“Lữ đoàn Không quân Chiến thuật số 7 Ukraine là mục tiêu chủ chốt trong đòn tập kích. Phi đội Su-24 trang bị tên lửa Storm Shadow của lữ đoàn này đã phá hủy hàng loạt mục tiêu nằm sâu trong hậu phương của Nga”, chuyên gia quân sự David Axe viết trên Forbes.

Trong đòn tập kích lần này, Nga không chỉ huy động lượng lớn vũ khí tầm xa, mà còn áp dụng chiến thuật phức tạp. Các tên lửa và UAV Nga được phóng từ nhiều hướng về phía Starokostiantyniv, liên tục đổi đường bay để gây khó khăn cho đối phương.

Không quân Ukraine tuyên bố phá hủy 30 trong 40 tên lửa hành trình và toàn bộ 27 UAV Nga sử dụng để tập kích, nhưng để lọt 10 quả đạn. Họ thêm rằng Nga đã phóng ba tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, nhưng không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về chúng.

Sân bay Starokostiantyniv trên ảnh vệ tinh. Ảnh: Google Maps

Sân bay Starokostiantyniv trên ảnh vệ tinh. Ảnh: Google Maps

Dù vậy, đòn tấn công ồ ạt của Nga dường như chưa ngăn cản được hoạt động của phi đội Su-24 Ukraine mang tên lửa tầm xa tại căn cứ. Vài giờ sau trận tập kích, quyền tỉnh trưởng Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo cho biết cường kích Ukraine đã phóng 12 tên lửa Storm Shadow nhằm vào các cây cầu nối khu vực này với bán đảo Crimea, trong đó 3 quả lọt qua lưới phòng không.

Giới chuyên gia nhận định có nhiều lý do khiến Nga chưa thể hủy diệt hoàn toàn mối đe dọa từ tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG của Ukraine tại sân bay Starokostiantyniv.

“Mạng lưới vệ tinh do thám, máy bay trinh sát điện tử và UAV của Mỹ luôn theo dõi sát động thái của phi đội oanh tạc cơ Nga, cho phép phát hiện hoạt động của chúng nhằm cảnh báo Ukraine. Máy bay cảnh báo sớm của NATO cũng hoạt động 24/7 ở Biển Đen để cung cấp tham số mục tiêu cho phòng không Ukraine”, Thakur cho hay.

Lực lượng tại căn cứ Starokostiantyniv có thể nhận cảnh báo không kích từ trước ít nhất một giờ, cho phép họ đưa cường kích Su-24 vào hầm chứa kiên cố hoặc sơ tán đến căn cứ dự bị, thậm chí là hạ cánh trên quốc lộ. “Tương tự những lần không kích trước đây, không có thứ gì giá trị ở Starokostiantyniv để Nga tập kích trong đòn đánh đêm 6/8”, Axe đánh giá.

Ngay cả khi phi đội Su-24 không kịp cất cánh đến sân bay dự bị, căn cứ Starokostiantyniv được xây dựng từ thời Liên Xô vẫn có khả năng bảo vệ lực lượng này, với không dưới 40 nhà chứa máy bay kiên cố phân bố trên diện tích rộng.

“Chỉ có các tên lửa chính xác cao, trang bị đầu đạn xuyên phá cỡ lớn mới có thể phá hủy chúng. Nga sở hữu nhiều tên lửa không đối đất tầm ngắn phù hợp nhiệm vụ này, nhưng máy bay không thể tiến vào vùng trời Khmelnitsky để phóng đạn. Điều đó buộc họ sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M và Kh-101/555 đắt tiền để tấn công”, cựu sĩ quan Ấn Độ đánh giá.

Vị trí thành phố Khmelnitsky. Đồ họa: RYV

Vị trí thành phố Khmelnitsky. Đồ họa: RYV

Các chuyên gia ước tính Ukraine đang sở hữu khoảng 8 cường kích Su-24MR mang được tên lửa Storm Shadow, cùng hàng chục chiếc Su-24M đã loại biên đang nằm tại Starokostiantyniv. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho Nga trong quá trình xác định và nhận diện mục tiêu.

Anh và Pháp đã viện trợ nhiều tên lửa dẫn đường cho Ukraine, chúng được bố trí rải rác trên khắp căn cứ rộng lớn, thay vì tập trung tại một nhà kho duy nhất, khiến đòn đánh của Nga giảm hiệu quả.

“Nga không thể thu được kết quả rõ rệt ngay cả khi đòn không kích đánh trúng 10 mục tiêu cùng lúc. Moskva ít có khả năng xóa sổ hoàn toàn mối đe dọa từ Storm Shadow/SCALP-EG. Điều tốt nhất họ có thể làm là liên tục bào mòn lực lượng vận hành và hạn chế tối đa nguy cơ với loại vũ khí này”, Thakur nhận định.

Vũ Anh (Theo Eurasia Times, Forbes)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*