Mali cảnh báo thảm họa nếu khối Tây Phi can thiệp Niger

“Biện pháp quân sự đã được sử dụng ở những quốc gia khác, chúng ta có thể thấy hệ quả là một thảm họa”, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop nói ngày 7/8 tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Burkina Faso Olivia Rouamba ở thủ đô Bamako.

Ngoại trưởng Diop cho biết ông “không thể hiểu” lý do ECOWAS muốn triển khai quân đội để khôi phục “chính quyền đã sụp đổ” nhưng lại không cung cấp vũ khí để giúp các quốc gia trong vùng Sahel đối phó phiến quân cực đoan. Ông Diop nêu hai ví dụ là Iraq và Libya, cũng bị bên ngoài can thiệp quân sự nhưng không mang đến kết quả thành công nào.

Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga ngày 20/5/2022. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga ngày 20/5/2022. Ảnh: AFP

Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 30/7 ra tối hậu thư với chính quyền quân sự Niger, yêu cầu trao trả quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trước đêm 6/8. ECOWAS cảnh báo sẽ can thiệp quân sự vào Niger nếu phe đảo chính không khôi phục chính quyền dân sự.

Niger đã đóng không phận từ ngày 6/8. Đại diện chính quyền quân sự Niger cảnh báo nước này sẽ “phản ứng lập tức và quyết liệt nếu không phận bị xâm phạm”.

Hạn chót đã trôi qua mà không có hành động quân sự nào. ECOWAS ngày 7/8 thông báo sẽ họp thượng đỉnh về tình hình Niger vào ngày 10/8 tại Nigeria.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.

Mali và Burkina Faso, hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước tuyên bố bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với họ.

Vị trí Niger và vùng Sahel. Đồ họa: AFP

Vị trí Niger và vùng Sahel. Đồ họa: AFP

Như Tâm (Theo AFP, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*