Phái đoàn khối Tây Phi không được gặp tướng đảo chính Niger

Phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 3/8 tới thủ đô Niamey của Niger, dự kiến gặp lãnh đạo phe đảo chính Abdourahamane Tiani để trình bày các yêu cầu của khối. Dẫn đầu phái đoàn là cựu tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar.

Tuy nhiên, phán đoàn ECOWAS phải về sớm hơn đã định do không gặp được ông Tiani, cũng như tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, một thành viên của phái đoàn ngày 4/8 cho biết.

“Tất cả những nỗ lực của chúng tôi để gặp lãnh đạo chính quyền quân sự đều thất bại. Thay vào đó, ông ấy cử đoàn đại diện gồm 5 thành viên đến gặp chúng tôi”, nguồn tin cho biết.

Tướng Abdourahamane Tchiani xuất hiện trên truyền hình Niger ngày 28/7. Ảnh: AFP

Tướng Abdourahamane Tchiani xuất hiện trên truyền hình Niger ngày 28/7. Ảnh: AFP

Trước đó, ECOWAS áp đặt lệnh trừng phạt thương mại và tài chính đối với Niger. Khối này ngày 30/7 ra tối hậu thư yêu cầu phe đảo chính khôi phục quyền lực cho ông Bazoum trong vòng một tuần.

Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, lãnh đạo quốc gia đang là chủ tịch luân phiên của ECOWAS, khẳng định khối sẽ cố gắng hết sức để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình. Tuy nhiên, ECOWAS cũng cảnh báo khối có thể sử dụng lựa chọn cuối cùng là can thiệp quân sự vào Niger.

Phe đảo chính Niger tuyên bố sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu nước ngoài can thiệp quân sự. Mali và Burkina Faso cũng thông báo sẽ tuyên chiến nếu kịch bản đó xảy ra. Chính quyền quân sự Niger gọi Mali và Burkina Faso là “hai quốc gia thân thiện”.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính.

Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP

Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP

Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 lật đổ ông Bazoum, người được đánh giá là đồng minh phương Tây. Phe đảo chính sau đó thành lập Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc, đứng đầu là tướng Tiani, từng là chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống Niger.

Pháp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án vụ đảo chính ở Niger. EU tuyên bố không công nhận phe đảo chính, đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điện đàm với ông Bazoum và cam kết sẽ đảm bảo khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.

Cộng hòa Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Đây là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.

Niger là đối tác chính của Pháp và Mỹ trong chiến dịch đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel tại Tây và Trung Phi, ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. Liên minh châu Âu (EU) cũng có một nhóm nhỏ binh sĩ làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự ở Niger.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*