Máy bay Liên Xô từng thoát nạn sau khi bị đánh bom

Yevgeny Volodin lên máy bay tại sân bay Vnukovo bên ngoài thủ đô Moskva để tới Novosibirsk ngày 18/3/1991. Người đàn ông 26 tuổi đến từ Novokuznetsk là thợ mộc tại nhà máy sản xuất đồ nội thất địa phương. Anh ta mang theo một chiếc túi du lịch với 6 chai muối diêm, mỗi hai chai được gắn với nhau bằng băng dính. Không ai tại quầy kiểm soát an ninh sân bay để tâm đến những thứ bên trong túi.

Máy bay chở 365 hành khách, 20 người trong số họ đi cùng trẻ em. Hai giờ bay đầu diễn ra suôn sẻ. Volodin muốn chờ đến khi lối đi trống trải. Tuy nhiên, cơ hội đó không đến vì phi hành đoàn phục vụ bữa ăn, sau đó là đồ uống, rồi thu gom rác. Không còn đủ kiên nhẫn, Volodin đứng dậy, bước tới nhà vệ sinh gần buồng lái nhất, mang theo chiếc túi của mình.

Một chiếc Il-86, máy bay chở khách lớn nhất của Liên Xô, cất cánh năm 1984. Ảnh: Sputnik

Một chiếc Il-86, máy bay chở khách lớn nhất của Liên Xô, cất cánh năm 1984. Ảnh: Sputnik

“Hai tiếng sau khi cất cánh, những người trong buồng lái nghe thấy tiếng đập rất mạnh vào cửa buồng”, Yury Sytnik, cơ phó trên chuyến bay, nhớ lại.

Nhưng tiếng đập đó thực tế là một vụ nổ. Volodin đã vào nhà vệ sinh rồi ném hai quả bom gây cháy vào lối đi. Anh ta không ném được quả thứ ba vì khu vực xung quanh cửa nhà vệ sinh đã bốc cháy. Volodin bị chặn bên trong.

Không biết chuyện gì đã xảy ra, cơ trưởng Anatoly Ekzarkho nói với kỹ sư máy bay: “Hãy xem ai đang cố vào đây”.

Người này mở cửa và ngay lập tức một ngọn lửa thổi vào buồng lái. “Không ai thoát khỏi nó, tóc và lông mày bị cháy đen, tất cả phần da lộ ra đều bị bỏng. Thật may là viên kỹ sư đã đóng sầm cửa lại gần như ngay lập tức”, Sytnik cho hay.

Bên ngoài buồng lái, mọi thứ trở nên hỗn loạn. Hoảng sợ, một số hành khách đã chạy tới lối thoát hiểm và cố gắng mở cửa máy bay. Những người khác chạy khỏi đám cháy, dồn đến đuôi máy bay, nguy cơ gây mất thăng bằng.

“Cơ trưởng Ekzarkho đã hành động ngay lập tức. Theo quy định phản ứng trong một vụ hỏa hoạn, anh ấy đã điều khiển phi cơ lao chúi mũi xuống. Máy bay Il-86 lao xuống đất với vận tốc 70-80 m/s, do đó trọng lực bị mất đi, giống như trong không gian”, Sytnik mô tả.

Buồng lái ngập trong khói và Ekzarkho dần mất đi ý thức. Nhưng Yury Sytnik đã đeo mặt nạ dưỡng khí kịp thời. Anh chịu trách nhiệm điều khiển máy bay và cố tìm kiếm sân bay gần nhất để hạ cánh.

Một chiếc Il-86 trên sân bay. Ảnh: TASS

Một chiếc Il-86 trên sân bay. Ảnh: TASS

“Tôi đã phát đi một thông điệp: ‘Gửi mọi người đang lắng nghe chúng tôi! Đây là chuyến bay số hiệu 86082. Chúng tôi cách thành phố Serov 160 km. Chúng tôi đang rơi, chúng tôi đang bốc cháy'”, Sytnik kể. “Vì khói nên tôi không thể nhìn rõ các chỉ số trên bảng điều khiển. Chúng tôi đang ở phía trên dãy núi Ural và việc hạ độ cao xuống dưới 2.700 m là rất nguy hiểm”.

Ngọn lửa bên ngoài buồng lái được các tiếp viên và hành khách dập tắt sau 20 phút. Họ sử dụng hết 14 bình chữa cháy và bảo vệ được hệ thống dây điện.

Lúc bấy giờ, cơ trưởng Ekzarkho đã tỉnh lại, nhưng hoa tiêu lại bất tỉnh. Cuối cùng, ông đã xoay xở đưa được máy bay vào hành trình hướng tới sân bay Koltsovo ở Sverdlovsk (Yekaterinburg ngày nay). Khói bắt đầu tan và phi hành đoàn có thể nhìn thấy bảng điều khiển. Tuy nhiên, tổ lái lại gặp vấn đề khác. Họ không thể nhìn thấy đường băng.

“Khoảng cách là 8 km, độ cao là 400 m”, kiểm soát viên không lưu nói. “Bạn có thể nhìn thấy đường băng không?”.

“Chúng tôi không thể”, phi hành đoán đáp lại.

“Sau đó, tay tôi vô tình, hoặc do linh cảm, chạm vào cửa sổ buồng lái. Nó đã bị ám khói và bao phủ bởi muội than, khiến ánh sáng từ bên ngoài không thể lọt vào”, Sytnik nói.

Họ lập tức lau chùi và rất nhanh chóng, một khoảng trống có kích thước bằng chiếc đĩa được tạo ra trên kính để các phi công nhìn xuyên qua. Họ đã thấy ánh đèn đường băng cách đó 6 km, kịp thời ngăn cú hạ cánh biến thành một cú rơi mất kiểm soát trong tích tắc.

Máy bay hạ cánh thành công và di chuyển tới một địa điểm cách xa nhà ga nhất có thể. Cửa máy bay mở ra và một đội biệt kích lao lên, không chế kẻ tấn công.

Về sau, Sytnik được báo tin rằng Volodin không có kế hoạch cướp máy bay hay đưa ra bất kỳ yêu cầu nào. Đó là một cuộc tấn công khủng bố, với mục đích duy nhất là không để ai sống sót.

“Trước khi xét xử, cơ quan tình báo KGB đã giải thích với chúng tôi rằng Volodin đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Armenia lôi kéo. Họ đang muốn thu hút chú ý vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh (giữa Azerbaijan với cộng đồng gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh). Rõ ràng Volodin là người rất dễ bị ảnh hưởng. Dù sao, theo như tôi biết, thay vì nhận án tử hình, anh ta đã bị đưa đến bệnh viện tâm thần”, Sytnyk cho biết.

Trong quá trình thẩm vấn, giới chức phát hiện kẻ đánh bom đã dành 18 tháng để nghiên cứu hệ thống kiểm tra và thủ tục lên máy bay. Anh ta chọn chiếc máy bay chở khách lớn nhất, Il-86, và thiết kế một thiết bị nổ không có kim loại để cảm biến tại cổng an ninh không thể phát hiện ra. Lúc bấy giờ, các sân bay của Liên Xô không có hệ thống sàng lọc như ngày nay, chỉ có khung máy dò kim loại để phát hiện vũ khí.

Kế hoạch của Volodin là kích nổ ba quả bom ở ba bộ phận khác nhau trên máy bay. Trong trường hợp đó, phi cơ sẽ không có cơ hội hạ cánh. Nhưng tính cách thiếu kiên nhẫn của Volodin và những hoạt động bận rộn diễn ra trên lối đi đã cản trở kế hoạch và anh ta quyết định cho nổ cả ba quả bom cùng một chỗ. Nhờ vậy, tổ bay và hành khách mới có cơ hội phản ứng, chặn đứng thảm kịch. Không ai bị thương nguy hiểm đến tính mạng trong đêm đó.

Kiểm tra hành lý của hành khách tại sân bay Vnukovo năm 1991. Ảnh: TASS

Kiểm tra hành lý của hành khách tại sân bay Vnukovo năm 1991. Ảnh: TASS

Nhờ thông tin từ Volodin, một số vụ tấn công khủng bố tương tự ở St. Petersburg, Kaliningrad và các thành phố khác đã bị ngăn chặn, theo KGB.

Sytnik và phi hành đoàn được trao tặng huy chương “Vì lòng can đảm”. Sytnik cho biết sau này anh cũng đối mặt với nhiều tình huống khó khăn trong sự nghiệp.

“Tôi phải hạ cánh xuống một sân bay không có ánh sáng ở Baghdad vào ban đêm, khiến các chính trị gia và nhà báo trên khoang sợ hãi. Trong một chuyến bay trở về từ Syria, máy bay của tôi suýt bị chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tôi chưa bao giờ phải trải nghiệm lại những gì tôi đã trải qua vào đêm 18/3/1991. Tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời nhất”, Sytnyk nói.

Vũ Hoàng (Theo Russia Beyond)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*