Chính quyền tỉnh Hà Bắc, địa phương gần như bao quanh Bắc Kinh và Thiên Tân, ngày 3/8 yêu cầu 850.000 dân tại 7 vùng thoát lũ sơ tán để khu vực này tiếp nhận khoảng 1,8 tỷ mét khối nước nhằm “chia lửa” với thủ đô, nơi lũ lụt đang hoành hành.
Sau khi bão Doksuri đổ bộ vào miền nam Trung Quốc ngày 28/7 và di chuyển lên phía bắc, lượng mưa trút xuống Bắc Kinh đã phá kỷ lục 140 năm, còn lượng mưa ở Hà Bắc nhiều hơn cả năm gộp lại. Mưa lũ đã khiến 11 người chết ở Bắc Kinh và 9 người thiệt mạng ở Hà Bắc.
Khi Doksuri suy yếu và hướng tới các tỉnh biên giới đông bắc Trung Quốc, vùng đất rộng lớn có diện tích tương đương nước Anh đang phải chật vật xử lý vấn đề thoát lũ để đảm bảo an toàn cho các tuyến đường thủy và hồ chứa, đồng thời giải cứu hàng chục nghìn người mắc kẹt trong nhà.
Giới chức Hà Bắc ngày 2/8 đã nâng mức ứng phó thiên thai khẩn cấp từ mức II lên mức III, trong khi Bắc Kinh giữ nguyên cảnh báo sạt lở đất ở khu vực ngoại ô.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc cho hay lưu vực sông Hải, nơi hội tụ của 5 con sông lớn ở miền bắc Trung Quốc, đang trải qua quá trình thoát lũ và hệ thống kiểm soát lũ đang đối mặt “thử thách khắc nghiệt nhất” kể từ trận lụt năm 1996.
Một quan chức cấp cao tỉnh Hà Bắc cho biết sau khi địa phương này thực hiện chức năng “kênh thoát lũ” cho Bắc Kinh và Thiên Tân, những người sơ tán sẽ phải đợi khoảng một tháng để nước rút bớt và họ có thể quay về nhà.
Mùa hè năm 1996, lũ lụt quy mô lớn ở lưu vực Trường Giang khiến 2.800 người thiệt mạng, phá hủy hàng triệu ngôi nhà, làm ngập lụt vùng canh tác lớn.
Tại Hà Bắc, thành phố Trác Châu là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, theo một quan chức Bộ Thủy lợi Trung Quốc. Tới nay, khoảng 100.000 người ở thành phố phía tây nam Bắc Kinh đã được sơ tán, tương đương 60% dân số.
Trung Quốc từ lâu đã ý thức được nguy cơ ngập úng ở các thành phố lớn, khi tốc độ đô thị hóa nhanh những năm gần đây đã bê tông hóa những vùng bãi bồi rộng lớn vốn có chức năng điều tiết và hấp thụ nước. Thời tiết khắc nghiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn.
Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 98% trong số 654 thành phố lớn ở Trung Quốc dễ bị lũ lụt và ngập úng. Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Trung Quốc ngày 2/8 cho hay lượng mưa ở các tỉnh đông bắc vào tháng 8 có thể tăng tới 50%.
“Không có cách nào để thoát nước ngay lúc này ư? Nước không rút đi, hiệu quả cứu hộ không đáng kể”, một người dân Trác Châu viết trên mạng Weibo, cảnh báo nhiều nơi trong thành phố ngập sâu tới 6 m. “Mức ngập này không phải do mưa lớn, mà là vấn đề về thoát nước”.
Thị trấn Mã Đầu ở Trác Châu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi đường phố biến thành sông, điện nước bị cắt, điện thoại di động mất sóng, người dân mắc kẹt trong nhà. Lực lượng cứu hộ phải dùng xuồng cao su đưa người mắc kẹt trong các nhà cao tầng tới nơi an toàn.
Tuy nhiên, nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Truyền thông nhà nước đưa tin lực lượng cứu hộ từ khắp các tỉnh thành của Trung Quốc đã đề nghị cử người hỗ trợ Trác Châu, nhưng một số chưa được chấp nhận.
Chính quyền địa phương giải thích lý do ngừng tiếp nhận các đội cứu hộ từ nơi khác đến là việc hoạt động cứu trợ thiếu sự phối hợp, đổ dồn về một khu vực có nguy cơ gây mất an toàn, khi nhiều tuyến đường đã ngập lụt và bị tàn phá nặng nề.
Trong lúc chưa kịp khắc phục hậu quả lũ lụt do bão Doksuri, Trung Quốc tiếp tục đối mặt nguy cơ bão Khanun đổ bộ. Cơn bão với sức gió giật 222 km/h này đã quét qua tỉnh Okinawa và Kagoshima của Nhật khiến hai người chết và đang tiến về phía tây, dự kiến tiến sát Chiết Giang, Phúc Kiến trong hôm nay.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi