Sầu riêng ‘Made in China’ liệu có thể thách thức sự thống trị của Thái Lan và Malaysia tại thị trường Trung Quốc?

TIN MỚI

    Chuyên gia sầu riêng người Malaysia Lim Chin Khee đến Trung Quốc hai tháng một lần để giúp nông dân địa phương trồng loại trái cây nhiệt đới này.

    Trong số những lời khuyên mà ông Lim – người sáng lập Học viện Sầu riêng gần Kuala Lumpur – đưa ra cho những nông dân canh tác trên diện tích hơn 404 ha là tránh lãng phí nước và phân bón.

    Trong khi đó, Malaysia xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cao cấp từ các nông trường nhỏ hơn ở nước này sang Trung Quốc – một thị trường trái cây nhiệt đới đang mở rộng nhanh chóng cho phần lớn Đông Nam Á.

    Sầu riêng 'Made in China' liệu có thể thách thức sự thống trị của Thái Lan và Malaysia tại thị trường Trung Quốc? - Ảnh 1.

    Các chuyên gia kiểm tra sầu riêng tại cơ sở trồng trọt ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, vào tháng 6/2023. Ảnh: ImagineChina

    Theo tờ South China Morning Post (SCMP), việc chuyên gia Lim sẵn sàng giúp đỡ những nông dân trồng sầu riêng ở Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Malaysia – và của các quốc gia khác ở Đông Nam Á – rằng cây ăn quả nhiệt đới “Made in China” sẽ không thể thay thế hàng nhập khẩu trong “một sớm một chiều”. Nhưng Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều đang theo dõi bước phát triển dài hạn của Trung Quốc.

    Những nông dân Trung Quốc bắt đầu trồng khoảng 206.000 ha trái cây nhiệt đới ở tỉnh Hải Nam vào những năm 1950. Việc trồng sầu riêng – hứa hẹn sẽ là cây trồng mang lại lợi nhuận chính của hòn đảo này – đã phát triển mạnh vào năm 2020 nhờ công nghệ đẩy nhanh chu kỳ tăng trưởng.

    Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây đưa tin, Hải Nam đã sẵn sàng cho vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên trong năm nay, với khoảng 2.411 tấn sầu riêng dự kiến sẽ được bán ra trong tháng tới.

    Lim cho biết, ông không mong đợi sản lượng trái cây nhiệt đới ở Trung Quốc tăng vọt vì người trồng phải trả tiền thuê đất canh tác thay vì sở hữu đất hoàn toàn, và đôi khi mưa bão sẽ “quét sạch” mùa màng của họ. So sánh giữa Trung Quốc và Malaysia, ông nói “đó là sự bổ sung hơn là sự cạnh tranh”.

    Sam Sin – Giám đốc phát triển của S&F Produce Group có trụ sở tại Hong Kong – cho biết, khí hậu cận nhiệt đới của Hải Nam tạo ra những quả sầu riêng có chất lượng không so được với sầu riêng trồng ở Thái Lan, vốn đã có danh tiếng đáng ngưỡng mộ ở Trung Quốc. Công ty của Sin sở hữu đất nông nghiệp ở Thái Lan và cung cấp một số loại trái cây nhiệt đới từ những người trồng khác ở Thái Lan sang thị trường Trung Quốc.

    “Tôi nghĩ rằng đó là nhận thức về nguồn gốc xuất xứ mà người Trung Quốc nghĩ đến”, Sin nói.

    “Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng nhanh chóng ở thị trường Trung Quốc”, ông nói, đồng thời lưu ý đến việc mở rộng kinh doanh ở mức hai con số trong 9 năm qua.

    Theo tờ SCMP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực đã mang lại cho Đông Nam Á một lợi thế khác, góp phần cắt giảm thuế đối với trái cây Đông Nam Á xuất khẩu sang Trung Quốc.

    Aaron Rabena – nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á-Thái Bình Dương ở Manila (Philippines) cho biết, điều đó đã giúp xoài, dừa và sầu riêng của Philippines đến được Trung Quốc, nơi những loại trái cây như vậy có thể “khá khan hiếm”.

    Theo tờ SCMP, tại cửa hàng trái cây của Chen Shuang ở Thượng Hải, vải thiều, xoài, đu đủ và thanh long giá rẻ của Trung Quốc bán chạy hơn các mặt hàng đến từ Đông Nam Á.

    “Nhưng sản lượng trái cây nhiệt đới ở Hải Nam không thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước [Trung Quốc], và… sản lượng của chúng không ổn định lắm”, Chen nói và cho biết thêm rằng sầu riêng và táo sáp vẫn phải nhập khẩu.

    Sầu riêng 'Made in China' liệu có thể thách thức sự thống trị của Thái Lan và Malaysia tại thị trường Trung Quốc? - Ảnh 2.

    Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái, nhiều hơn khoảng 4 lần so với năm 2017. Ảnh: Alamy

    Sầu riêng Trung Quốc vẫn có cơ hội ‘cất cánh’

    Các nhà phân tích cho biết, sự tự tin của Đông Nam Á sẽ bị lung lay nếu sự kết hợp giữa tham vọng, tự động hóa và giá thấp hơn khiến sản lượng trái cây của Hải Nam cất cánh.

    Lim cho biết, những nông dân ở Hải Nam có mưa và “thời tiết nóng” có lợi cho hoạt động trồng trọt; đồng thời cho biết thêm rằng nông dân Trung Quốc rất chịu khó tìm hiểu về chất dinh dưỡng, kỹ thuật cắt tỉa cây và nâng cao chất lượng trái cây.

    Ông nói: “Các nông trường của họ đã áp dụng tự động hóa để kiểm soát chi phí, đây có thể là bài học cho những người nông dân ở Malaysia.”

    Lim cho biết thêm, các nông trường trồng sầu riêng tại Malaysia có diện tích nhỏ hơn tại Hải Nam, khiến Malaysia gặp bất lợi tiềm ẩn trong bất kỳ cuộc đua nào với Trung Quốc về sản lượng thuần túy.

    Theo tờ SCMP, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái, nhiều hơn khoảng 4 lần so với năm 2017.

    Du Baizhong – Tổng giám đốc công ty nông nghiệp Youqi Hải Nam – cho biết, ông dự kiến sản xuất tới 50 tấn sầu riêng trong năm nay sau khi cử người lao động từ cơ sở của mình ở Tam Á, Hải Nam, đến Đông Nam Á để học hỏi kinh nghiệm, cũng như hợp tác với Viện khoa học Nông nghiệp nhiệt đới Trung Quốc để rút ngắn chu kỳ tăng trưởng từ 10 năm xuống còn 3 năm.

    Du cho biết, công ty đã tìm ra cách tự động hóa việc phân phối nước, quản lý phân bón và theo dõi thời tiết.

    Nhưng ông cũng thừa nhận rằng, việc trồng sầu riêng ở Hải Nam đòi hỏi nhiều “sự can thiệp thủ công và sự quan tâm lớn hơn” so với ở Đông Nam Á.

    Máy bay “made in China” sắp thực hiện chuyến thương mại đầu tiên: Vượt mặt Nhật Bản, thu hẹp khoảng cách với Mỹ và châu Âu, Trung Quốc nếm trái ngọt sau 14 năm nỗ lực

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *