Mỹ không thể dùng căn cứ UAV ở Niger sau đảo chính

Lầu Năm Góc năm 2019 xây dựng Căn cứ Không quân Niger 201 gần thành phố Agadez với chi phí 110 triệu USD, đồng thời chi khoảng 30 triệu USD mỗi năm để vận hành. Căn cứ này có đường băng dài khoảng 1,8 km để vận hành máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper và một số loại máy bay khác.

Căn cứ Không quân Niger 201 phục vụ chiến dịch tấn công của Mỹ nhằm vào các nhóm vũ trang mà họ coi là khủng bố tại khu vực Tây Phi và Bắc Phi. Một quan chức Lầu Năm Góc ngày 31/7 cho biết lực lượng vũ trang Niger đình chỉ toàn bộ chuyến bay ra khỏi căn cứ sau vụ đảo chính trước đó 5 ngày.

Một quan chức Mỹ ngày 1/8 nhận định còn quá sớm để đánh giá việc căn cứ UAV tại Niger không hoạt động sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Phi.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ tại căn cứ không quân ở bang Nevada tháng 12/2019. Ảnh: USAF

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ tại căn cứ không quân ở bang Nevada tháng 12/2019. Ảnh: USAF

Một số chuyên gia phương Tây đánh giá trong ngắn hạn, việc Căn cứ Không quân Niger 201 dừng hoạt động sẽ hạn chế năng lực quân sự của Mỹ tại Sahel, khu vực ranh giới nằm giữa sa mạc Sahara và vùng màu mỡ hơn ở phía nam.

Jocelyn Trainer, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ Mới có trụ sở tại thủ đô Washington, nhận định “mất quyền tiếp cận Căn cứ Không quân Niger 201 gây bất lợi cho nỗ lực chung của Mỹ và châu Phi trong việc chống các nhóm cực đoan có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda tại khu vực”, do Mỹ chỉ có hai căn cứ ở châu Phi là tại Djibouti và Niger.

“Bước lùi này diễn ra trong bối cảnh Pháp giảm hiện diện quân sự trong khu vực. Khi lực lượng Mỹ và Pháp giảm hiện diện tại đây, các chủ thể như tập đoàn quân sự tư nhân Wagner có thể lấp khoảng trống an ninh mà họ để lại”, bà Trainer nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 1.100 binh sĩ nước này đang được triển khai ở Niger. Tương lai hiện diện quân sự của Mỹ tại Niger không chắc chắn sau vụ đảo chính hồi cuối tháng 7.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới nay chưa gọi hoạt động của quân đội Niger là “vụ đảo chính”, định nghĩa pháp lý có thể khiến Washington cắt viện trợ cho quốc gia châu Phi này.

Vị trí Niger và vùng Sahel. Đồ họa: AFP

Vị trí Niger và vùng Sahel. Đồ họa: AFP

Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Đây là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Niger có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.

Niger là đối tác chính của Pháp và Mỹ trong chiến dịch đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel tại Tây và Trung Phi, ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. Liên minh châu Âu (EU) cũng có một nhóm nhỏ binh sĩ làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự ở Niger.

Nguyễn Tiến (Theo Task&Purpose)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*