Mỹ khuyến cáo tàu hàng không đi vào vùng biển Iran

“Do tình hình khu vực căng thẳng, chúng tôi đề nghị các tàu duy trì mức độ thận trọng phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ bị bắt”, trung tá Timothy Hawkins, người phát ngôn Hạm đội 5 của hải quân Mỹ, ngày 12/8 cho biết. “Các tàu hàng được khuyến cáo tránh càng xa lãnh hải Iran càng tốt”.

Mỹ đang dẫn đầu Cơ chế An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC), sáng kiến được triển khai từ năm 2019 nhằm hộ tống tàu hàng đi qua các vùng biển ở Trung Đông, đặc biệt là eo biển Hormuz gần Iran, nơi thường diễn ra các vụ bắt tàu nước ngoài.

Trung tá Hawkins từ chối tiết lộ thêm chi tiết về cảnh báo. Vào đầu năm nay, Mỹ cũng đưa ra cảnh báo tương tự với tàu hàng hoạt động trong Vùng Vịnh, sau khi Iran bắt hai tàu chở dầu gần eo biển Hormuz.

Tàu sân bay đổ bộ USS Bataan của hải quân Mỹ hoạt động ở Vùng Vịnh vào năm 2020. Ảnh: US Navy

Tàu sân bay đổ bộ USS Bataan của hải quân Mỹ hoạt động ở Vùng Vịnh vào năm 2020. Ảnh: US Navy

Trong khi đó, tổ chức Nhận thức Hàng hải châu Âu ở eo biển Hormuz, khuôn khổ giám sát vận tải biển do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu, đã phát cảnh báo nguy cơ một tàu hàng có thể sắp bị bắt ở khu vực này. Thông cáo không tiết lộ tàu hàng mang cờ của quốc gia nào, theo hãng tư vấn an ninh tư nhân Ambrey.

“Trong lần cảnh báo trước đây với nội dung tương tự, một tàu thương mại sau đó đã bị giới chức Iran bắt”, hãng Ambrey cho biết.

Cơ quan Hoạt động Thương mại Biển Vương quốc Anh (UKMTO) thuộc quân đội Anh cũng phát cảnh báo tương tự đến tất cả thủy thủ đang hoạt động ở Vùng Vịnh. Giới chức Anh cho biết họ đã ghi nhận “mối đe dọa gia tăng trong khu vực eo biển Hormuz”, song không mô tả chi tiết rủi ro.

“Mọi tàu di chuyển trong khu vực cần thận trọng và thông báo các diễn biến đáng ngờ cho UKMTO”, cơ quan thuộc quân đội Anh nhấn mạnh.

Giới chức Iran chưa bình luận về các cảnh báo từ phương Tây.

Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, với đoạn hẹp nhất khoảng 33 km, là cửa ngõ Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến khu vực thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Iran từng bắt một số tàu dầu đi qua eo biển Hormuz hồi tháng 4 và tháng 5 với cáo buộc vi phạm pháp luật nước này. Hai vụ bắt tàu diễn ra liên tiếp đã thúc đẩy Mỹ tăng cường hiện diện hải quân và lính thủy đánh bộ ở khu vực.

Tàu đổ bộ USS Bataan và USS Carter Hall chở theo hàng nghìn lính thủy đánh bộ đã được điều động tăng viện cho khu vực. Hình ảnh do hải quân Mỹ công bố cho thấy hai tàu tuần tra ở Biển Đỏ vào ngày 8/8.

Hạm đội 5 hồi tháng 7 công bố video chiến hạm Iran tìm cách bắt tàu dầu Richmond Voyager, treo cờ Bahamas, ngoài khơi Oman, buộc Mỹ triển khai khu trục hạm USS McFaul để ngăn chặn. Chiến hạm Iran còn tiếp cận tàu dầu TRF Moss treo cờ Quần đảo Marshall, nhưng cũng đổi hướng khi khu trục hạm McFaul xuất hiện.

Vị trí eo biển Hormuz. Đồ họa: AP

Vị trí eo biển Hormuz. Đồ họa: AP

Thanh Danh (Theo Reuters, AP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*