Mỹ định triển khai lính thủy đánh bộ trên tàu hàng gần Iran

Hai quan chức Mỹ giấu tên hôm 3/8 cho biết Lầu Năm Góc đang chuẩn bị kế hoạch bố trí lính thủy đánh bộ và thủy thủ hải quân trên các tàu hàng thương mại tư nhân, nhằm đối phó với nguy cơ chúng bị lực lượng vũ trang Iran áp sát và bắt giữ.

“Kế hoạch này chưa được phê chuẩn, nhưng đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden và có thể được khởi động ngay trong tháng 8. Những hành động gây hấn từ Iran đòi hỏi biện pháp đáp trả tăng cường”, một quan chức nói.

Lính thủy đánh bộ Mỹ huấn luyện trên tàu đổ bộ USS Bataan ở Trung Đông hồi giữa tháng 7. Ảnh: USMC

Lính thủy đánh bộ Mỹ huấn luyện trên tàu đổ bộ USS Bataan ở Trung Đông hồi giữa tháng 7. Ảnh: USMC

Các đơn vị lính thủy đánh bộ đóng quân tại căn cứ Lejeune, bang Bắc Carolina đã bay tới Bahrain để huấn luyện. Lực lượng bổ sung sẽ sớm được triển khai trên các tàu chiến Mỹ ở Trung Đông. “Chúng tôi đã có binh sĩ sẵn sàng ở thực địa. Quyết định gần như đã được thông qua”, quan chức này nói thêm.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết không có thông báo nào khi được hỏi về thông tin. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby từ chối bình luận, nhưng nhấn mạnh eo biển Hormuz giáp Iran là “tuyến hàng hải sống còn” và Tehran từng nhiều lần “đe dọa phong tỏa yết hầu này”.

Mỹ hồi đầu tháng 7 triển khai tiêm kích tàng hình F-35 và cường kích A-10 đến Trung Đông, đồng thời điều động thêm một tàu khu trục tuần tra để tăng cường hiện diện trong khu vực.

Giới chức Iran chỉ trích động thái này mang tính khiêu khích và gây bất ổn.

Mỹ cho biết Iran quấy rối hoặc bắt khoảng 20 tàu hàng nước ngoài trong hai năm qua trên Vùng Vịnh, gọi đây là hành vi “đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải khu vực và kinh tế toàn cầu”.

Vụ bắt tàu gần nhất Iran thực hiện ngày 6/7 với cáo buộc buôn lậu dầu và khí đốt của nước này. Iran cáo buộc Mỹ ngăn cản “thông qua loạt hành vi thiếu chuyên nghiệp và rủi ro”, cũng như tìm cách bảo vệ tàu buôn lậu dầu khí.

Eo biển Hormuz và khu vực xung quanh. Đồ họa: CSIS

Eo biển Hormuz và khu vực xung quanh. Đồ họa: CSIS

Các sự việc nói trên xảy ra trong lúc quan hệ giữa hai nước gia tăng căng thẳng sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tái áp đặt loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Khu vực nhiều tàu hàng nước ngoài bị Iran bắt nằm trên tuyến vận tải dầu khí từ Trung Đông ra thế giới đi qua eo biển Hormuz. Theo dữ liệu từ hãng phân tích Vortexa có trụ sở tại Anh, khoảng 20% lượng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ vận tải bằng đường biển của thế giới đi qua khu vực này.

Vũ Anh (Theo Washington Post)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*