Ngoại trưởng Libya mất chức sau cuộc gặp người đồng cấp Israel

Kênh tin tức Al-Ahrar của Libya ngày 29/8 dẫn nguồn tin chính phủ cho biết Ngoại trưởng Najla Mangoush đã bị Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah sa thải sau cuộc gặp tuần trước tại Rome giữa bà Mangoush với Ngoại trưởng Israel Eli Cohen.

Đại sứ quán Palestine ở Tripoli cũng cho biết thông tin bà Mangoush bị sa thải đã được Thủ tướng Dbeibah thông báo khi đến thăm phái bộ. Palestine phản đối Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Trung Đông, trong đó có Libya.

“Thủ tướng Dbeibah cũng tuyên bố từ chối bình thường hóa quan hệ với Israel và tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Libya đối với người dân Palestine”, đại sứ quán cho hay. “Chúng tôi hoan nghênh lập trường này của Libya”.

Hiện chưa rõ bà Mangoush đang ở đâu. Thông tin trên mạng xã hội nói rằng bà đã tới Thổ Nhĩ Kỳ khi các cuộc biểu tình phản đối bình thường hóa quan hệ với Israel bùng phát tại Libya, nhưng Cơ quan An ninh Nội địa Libya (ISA) cho biết bà Mangoush không được phép rời khỏi đất nước và nằm trong “danh sách cấm đi lại” đang chờ điều tra.

Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn các nguồn tin an ninh nói rằng bà Mangoush đã lên đường tới Istanbul sau căng thẳng ngoại giao.

Bà Najla Mangoushdự một cuộc họp báo ở Berlin, Đức năm 2021. Ảnh: AFP

Bà Najla Mangoushdự một cuộc họp báo ở Berlin, Đức năm 2021. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Israel Cohen trước đó cho biết đã gặp bà Mangoush tại Bộ Ngoại giao Italy ở Rome. Israel cho hay cuộc gặp là “sáng kiến ngoại giao đầu tiên như vậy giữa hai nước” và hai ngoại trưởng đã thảo luận về khả năng hợp tác.

Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Libya, bà Mangoush đã từ chối gặp người đồng cấp Israel và những gì xảy ra là “tình cờ, không chuẩn bị trước và không chính thức”. Bộ này khẳng định cuộc gặp không bao gồm bất kỳ “thảo luận, thỏa thuận hoặc tham vấn nào”, thêm rằng bộ “hoàn toàn phản đối bình thường hóa” với Israel.

Tin tức về cuộc tiếp xúc đã dẫn đến làn sóng phản đối ở Libya, quốc gia không công nhận Israel. Trên đường phố Tripoli và các vùng ngoại ô, nhiều người biểu tình phản đối bình thường hóa quan hệ với Israel. Biểu tình cũng lan sang các thành phố khác, nơi thanh niên chặn đường, đốt lốp xe và vẫy cờ Palestine.

Giống như một số quốc gia Bắc Phi khác, Libya có di sản Do Thái phong phú. Nhưng trong nhiều thập niên dưới sự lãnh đạo của Muammar Gaddafi, người ủng hộ mạnh mẽ Palestine, hàng nghìn người Do Thái đã bị trục xuất khỏi Libya và nhiều giáo đường Do Thái bị phá hủy.

Gaddafi bị lật đổ và giết năm 2011 trong cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn, khiến đất nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn và vô luật pháp hơn một thập niên. Đất nước bị chia rẽ về mặt chính trị với hai chính quyền tồn tại song song: chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Tripoli, miền tây đất nước và chính quyền do lãnh chúa quân sự Khalifa Haftar dẫn dắt ở miền đông. Chính sách đối ngoại của Libya rất phức tạp bởi nhiều năm xung đột và chia rẽ trong nội bộ.

Ở miền đông, các nghị sĩ Libya mở phiên họp đặc biệt, yêu cầu điều tra cuộc gặp ở Rome của bà Mangoush.

Chuyên gia Libya Anas El Gomati của Viện Sadeq có trụ sở tại Tripoli cho biết Thủ tướng Dbeibah, lãnh chúa Haftar và quốc hội ở miền đông đều biết về cuộc gặp.

“Họ đã biến nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Libya trở thành người chịu trách nhiệm cho các quyết định mà tất cả họ đều tham gia”, Gomati nói. “Đây không phải vấn đề chính trị. Đó là sự đùn đẩy trách nhiệm trắng trợn”.

Bộ Ngoại giao Israel ban đầu cho biết cuộc gặp ở Rome do Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani chủ trì. Nhưng hôm 28/8, cơ quan này nói rằng họ và Ngoại trưởng Cohen đều không liên quan gì đến việc rò rỉ thông tin về cuộc gặp.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay Washington đã rất “giận dữ” khi thông tin về cuộc gặp bị rò rỉ, cho rằng nó đã “giết chết” kênh đối thoại với Libya về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel.

Nhà phân tích Jalel Harchaoui cho rằng cuộc gặp ở Rome diễn ra dưới áp lực từ Liên Hợp Quốc và Mỹ đối với Libya để thúc đẩy cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vốn đã bị trì hoãn nhiều lần. Theo Harchaoui, Thủ tướng Dbeibah đã thất bại trong nỗ lực này vì không đánh giá đúng phản ứng của người Libya với Israel.

Kể từ năm 2020, Israel chuyển sang bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Morocco và Sudan thông qua “hiệp định Abraham” do Mỹ làm trung gian.

Tuy nhiên, chính phủ Israel theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã vấp phải sự chỉ trích từ các quốc gia Arab vì bạo lực gia tăng ở Bờ Tây và việc mở rộng khu định cư của người Do Thái trên vùng lãnh thổ Palestine tuyên bố chủ quyền.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*