“Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ đánh bom nguyên tử trong chiến tranh, sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới không có hạt nhân”, Thủ tướng Fumio Kishida ngày 6/8 phát biểu tại một buổi lễ ở Hiroshima.
“Con đường thực hiện mục tiêu này đang trở nên khó khăn hơn vì sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong cộng đồng quốc tế về giải trừ hạt nhân và mối đe dọa hạt nhân từ Nga”, ông nói thêm. “Trước tình hình đó, điều quan trọng hơn cả là khôi phục động lực quốc tế hướng tới việc hiện thực hóa một thế giới không có hạt nhân”.
“Những hậu quả do vũ khí hạt nhân gây ra cho Hiroshima và Nagasaki không bao giờ được phép lặp lại”, lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh.
Tuyên bố của Thủ tướng Kishida tương đồng với những bình luận từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khi ông nói rằng “một số quốc gia đang liều lĩnh vung lại thanh kiếm hạt nhân, đe dọa sử dụng những công cụ hủy diệt này”.
“Trước những mối đe dọa như vậy, cộng đồng quốc tế phải cùng nhau lên tiếng. Mọi hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân đều không thể chấp nhận được”, ông cho hay.
Khoảng 140.000 người đã thiệt mạng ở Hiroshima vào ngày 6/8/1945 và 74.000 người thiệt mạng ở Nagasaki ba ngày sau đó khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản vài ngày trước thời điểm Thế chiến II kết thúc.
Tại buổi lễ kỷ niệm ở Hiroshima, hàng nghìn người đã cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ đánh bom và kêu gọi duy trì hòa bình thế giới.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev là quan chức thường xuyên đưa ra cảnh báo về việc Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Gần đây nhất, ông nói rằng Nga sẽ buộc phải dùng tới vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thành công.
“Đơn giản là không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, đối phương nên cầu nguyện cho các chiến binh của chúng tôi. Họ đang đảm bảo rằng ngọn lửa hạt nhân toàn cầu không bị đốt cháy”, ông viết trên mạng xã hội hôm 30/7.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng hai ký quyết định đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington, sau khi được Hạ viện và Thượng viện thông qua. Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moskva.
Thỏa thuận New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)
Để lại một phản hồi