Ông Medvedev: Ukraine cần đầu hàng để mở đường cho hòa bình

“Những người đang chịu khổ cực trong các chiến hào của đất nước bị chia rẽ chỉ cần đầu hàng để có thể mở đường đến hòa bình. Tuy nhiên, cả Washington và Kiev đều không muốn hòa bình. Mỹ vẫn muốn duy trì quyền lực tuyệt đối và không tiếc xương máu của người Ukraine để làm điều đó”, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram hôm 11/8.

Quan chức Nga đưa ra phát biểu một ngày sau khi giới chức Mỹ thông báo Tổng thống Joe Biden đề nghị quốc hội cấp thêm hơn 13 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Cả thế giới lại rùng mình khi biết tới hàng tỷ USD dành cho quốc gia không tồn tại. Binh sĩ trong các xe tăng phương Tây bị cháy rụi sẽ không bao giờ thấy khoản tiền đó, họ chỉ được chứng kiến cái chết. Những cối xay thịt trong cuộc phản công sẽ tiếp tục hoạt động không ngừng, đẩy hàng nghìn binh sĩ xấu số vào chỗ chết”, ông Medvedev nói thêm.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev trong một cuộc họp hồi tháng 1. Ảnh: RIA Novosti

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev trong một cuộc họp hồi tháng 1. Ảnh: RIA Novosti

Nhà Trắng hôm 10/8 đề xuất khoản chi tiêu trị giá hơn 21 tỷ USD liên quan đến Ukraine, trong đó gồm hơn 13 tỷ USD viện trợ quân sự, cùng 7,3 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ (OMB) Shalanda Young nói rằng gần 10 tỷ USD sẽ dành để bổ sung vật tư quốc phòng trong kho của Lầu Năm Góc viện trợ cho Ukraine, cũng như đẩy nhanh tiến độ sản xuất trang thiết bị mới.

Truyền thông Mỹ nhận định khoản viện trợ sẽ là bằng chứng cho thấy liệu Washington có thể duy trì hỗ trợ lâu dài cho Kiev hay không, trong lúc cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra và triển vọng chiến sự kết thúc sớm rất mong manh. Một số đảng viên Cộng hòa tại quốc hội Mỹ từng bày tỏ hoài nghi về cung cấp thêm tiền cho Ukraine.

Mỹ đang là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine nói chung và về quân sự nói riêng. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tính đến ngày 25/7, Washington đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 43,7 tỷ USD cho Kiev. Theo phân tích của Washington Post, Ukraine đã trở thành nước nhận viện trợ của Mỹ nhiều nhất sau Thế chiến II với tổng số tiền hơn 66 tỷ USD.

Sau khi chiến sự bùng phát, phương Tây tích cực viện trợ lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến đấu và đạn dược cho Ukraine. Nga nhiều lần chỉ trích động thái trên, cho rằng điều này chỉ làm chiến sự kéo dài thêm.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Cục diện chiến sự Nga – Ukraine. Đồ họa: WP

Ukraine phát động chiến dịch phản công quy mô lớn vào đầu tháng 6, đưa nhiều lữ đoàn do NATO huấn luyện với vũ khí phương Tây ra chiến trường. Kiev hôm 5/8 tuyên bố lần đầu xuyên thủng phòng tuyến của Moskva, sau khi tái kiểm soát nhiều ngôi làng và hơn 210 km2 lãnh thổ.

Tuy nhiên, nước này hứng nhiều tổn thất về binh sĩ và phương tiện chiến đấu hạng nặng khi tìm cách xuyên thủng phòng tuyến kiên cố của Nga. Giới chức Ukraine cho biết chiến dịch phản công có thể kéo dài và khó khăn, đồng thời kêu gọi đồng minh phương Tây viện trợ thêm vũ khí.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/8 nói rằng quân đội Ukraine thiệt hại hơn 43.000 binh sĩ và 4.900 phương tiện chiến đấu sau hai tháng phản công.

Vũ Anh (Theo Newsweek)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*