“Lực lượng phòng không đã bắn hạ hai tên lửa của đối phương trên eo biển Kerch. Cầu Crimea không hư hại”, Sergei Aksyonov, lãnh đạo chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm, thông báo trên Telegram hôm nay.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó nói rằng quân đội Ukraine đã sử dụng hai tên lửa phòng không S-200 hoán cải, được lắp thiết bị dẫn đường, trong vụ tấn công. “Các hệ thống phòng không Nga đã phát hiện kịp thời và đánh chặn mục tiêu. Không có thiệt hại hay thương vong nào được ghi nhận”, cơ quan này cho hay.
Hình ảnh được đăng trên mạng xã hội Nga cho thấy cầu Crimea bị bao phủ bởi các cột khói trắng. Oleg Kryuchkov, cố vấn của ông Aksenov, lý giải rằng lực lượng Nga đã phun khói mù để bảo vệ cây cầu khỏi tên lửa.
Giao thông qua cầu Crimea bị đình chỉ, nhưng dự kiến nối lại trong thời gian ngắn.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó thông báo lực lượng phòng không đã bắn hạ ít nhất 20 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đang nhắm vào nhiều địa điểm trên bán đảo, đồng thời gọi đây là “cuộc tấn công khủng bố”. Không có thương vong hay thiệt hại về hạ tầng trong đòn tập kích UAV.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về các thông tin trên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố cầu Crimea do Nga xây dựng là mục tiêu quân sự, do đó Ukraine phải vô hiệu hóa công trình.
Hệ thống tên lửa phòng không S-200 sử dụng đạn V-860 và V-880 có kích thước lớn, dài hơn 9 mét, nặng khoảng 7 tấn, mang theo đầu đạn nổ phân mảnh nặng 217 kg. Tổ hợp S-200 được Liên Xô thiết kế năm 1964 và biên chế năm 1967, nhiều khả năng được Ukraine chỉnh sửa để có thể tiến hành các vụ tập kích ở khoảng cách lớn, trong khi chờ phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa hiện đại.
Tên lửa này không có nhiều khác biệt so với các hệ thống tấn công mặt đất. Kích thước quả đạn lớn và đầu đạn uy lực có thể tấn công mục tiêu dưới mặt đất ở khoảng cách xa. Lượng nhiên liệu còn lại trong thùng chứa vào thời điểm tên lửa đánh trúng mục tiêu sẽ gây hỏa hoạn, thậm chí dẫn tới các vụ nổ thứ cấp sau đó.
Dù S-200 hoán cải với tuổi đời gần 60 năm không thể chính xác như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) phóng từ pháo phản lực HIMARS của Mỹ, loại vũ khí này vẫn có thể giúp Ukraine tiến hành các đòn tập kích tầm xa với chi phí rẻ và kho dự trữ dồi dào.
Ukraine cũng không gặp phải ràng buộc khi dùng S-200 tập kích lãnh thổ Nga như các loại vũ khí được phương Tây viện trợ.
Lần gần nhất cầu Crimea bị tập kích là ngày 17/7, khi xuồng không người lái phát nổ khiến hai người thiệt mạng và hư hại một phần cấu trúc cầu. Truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin trong Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết vụ tấn công là “chiến dịch đặc biệt của SBU và hải quân”.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Moskva nói rằng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy hầu hết người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga, song Kiev và các nước phương Tây xem động thái này là bất hợp pháp. Ukraine tuyên bố sẽ giành lại Crimea “bằng mọi giá”, kể cả biện pháp quân sự.
Thanh Danh (Theo RIA, Reuters, AFP)
Để lại một phản hồi