Hơn một tuần sau khi trận cháy rừng thảm khốc quét qua thị trấn Lahaina trên đảo Maui thuộc quần đảo Hawaii của Mỹ, số người chết vẫn chưa được thống kê rõ ràng. Gia đình của khoảng 1.300 người mất tích đang lo lắng chờ đợi khi những chú chó tìm kiếm tử thi lùng sục khắp khu vực hoang tàn như vùng chiến sự sau cháy rừng.
Thống đốc Hawaii Josh Green tối 16/8 cho biết ít nhất 110 người đã thiệt mạng trong vụ cháy và con số này dự kiến tăng lên trong những ngày tới. Ông Green cho hay có thể mất hơn một tuần nữa để thống kê được con số chính xác và giới chức có thể phát hiện thêm 10-20 thi thể mỗi ngày cho tới khi kết thúc chiến dịch tìm kiếm.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 nạn nhân thiệt mạng được xác nhận danh tính, theo Adam Weintraub, giám đốc truyền thông của Cơ quan Quản lý Tình huống khẩn cấp Hawaii.
Chuyên gia nhận dạng nạn nhân nói quá trình xác nhận danh tính người thiệt mạng ở thị trấn Lahaina có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm. Cả việc tìm kiếm và xác định danh tính đều đối diện thách thức rất lớn do mức độ tàn phá của thảm họa cháy rừng và tình trạng thi thể được tìm thấy.
Ngọn lửa dữ dội được ví như “đèn khò” khổng lồ xé toạc thị trấn, kết hợp với các vật liệu dễ cháy trong nhà như gỗ, thảm đã khiến thi thể nhiều nạn nhân mắc kẹt cháy thành than. Một số người thiệt mạng trong ôtô mắc kẹt trên đường, nơi đám cháy khốc liệt đến mức nung chảy cả khoang máy.
Cảnh sát hạt Maui cho hay họ đã tìm kiếm được khoảng 38% diện tích bị cháy ở Lahiana. Toàn bộ khu vực hiện trường được niêm phong để các đội tìm kiếm làm việc, trong khi những người sống sót ngày càng sốt ruột và giận dữ khi giới chức không cho phép họ quay lại nhà để kiểm tra và thu dọn đồ đạc.
Cảnh sát trưởng hạt Maui John Pelletier cho hay một người đã bị bắt với cáo buộc xâm nhập khu vực cấm, và ông cũng kêu gọi người dân kiên nhẫn để tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm, nhận diện thi thể nạn nhân đã thiệt mạng.
“Nếu các bạn vào đó lúc này, thứ bám trên quần áo các bạn không chỉ là tro bụi, mà đó là những người thân yêu của chúng ta”, ông nói.
Daniele Podini, phó giáo sư sinh học phân tử tại Đại học George Washington, cho hay nỗ lực thu thập thi thể sau vụ cháy dữ dội như vậy là phần phức tạp nhất.
Các điều tra viên sẽ phải cẩn thận xác định thi thể người giữa đống tro tàn hỗn loạn, tìm cách thu được mẫu ADN nếu có thể, tạo cơ sở dữ liệu cho tất cả người thân của người mất tích, sau đó đối chiếu kết quả mẫu ADN với cơ sở dữ liệu”, Podini nói.
Chris Milroy, giáo sư bệnh lý học tại Đại học Ottawa, Canada,, nói rằng trong vụ cháy rừng ở Hawaii, nhiều phương pháp khoa học để nhận diện thi thể có thể không hữu ích, do mức độ tàn phá của thảm kịch.
“Phương pháp nhận diện bằng hồ sơ nha khoa có thể không áp dụng được rộng rãi, do vụ cháy cũng thiêu rụi các cơ sở y tế và dữ liệu lưu trữ”, Milroy, người đã làm việc cùng cảnh sát trong các vụ điều tra pháp y ở Anh, nói.
Nhiệt độ cao cũng thường phá hủy dấu vân tay của một số nạn nhân. Vấn đề tương tự cũng có thể xảy ra đối với những dấu vết y tế cho phép các nhà điều tra xác định nạn nhân, như việc họ từng thay khớp háng hoặc sử dụng máy tạo nhịp tim, hay bất kỳ vật phẩm nào có thể giúp thu thập mẫu ADN như bàn chải đánh răng.
“Yếu tố chính giúp xác định danh tính nạn nhân là ADN, nhưng bạn cũng cần có người để đối chiếu”, ông nói.
Phương pháp nhận diện người thân hay xác định đồ đạc cá nhân như túi, ví gần thi thể được cho là không đáng tin cậy. “Thi thể có thể bị biến dạng và đồ đạc bị lẫn lộn”, Milroy nói, thêm rằng hầu hết nạn nhân đều bị chết cháy nên nhận diện trực tiếp thi thể có thể không đúng.
Quá trình xác nhận nạn nhân mất nhiều thời gian không phải là điều bất thường sau các vụ hỏa hoạn hoặc thảm họa thảm khốc như ở Hawaii. Sau vụ hỏa hoạn tháp 24 tầng Grenfell ở London năm 2017, các nhà điều tra phải mất 5 tháng để xác định danh tính 72 nạn nhân.
Tại Mỹ, thi thể được tìm thấy trong tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ khủng bố 11/9/2001 vẫn trong quá trình xác định. Hài cốt của khoảng 40% người thiệt mạng vẫn chưa rõ danh tính.
Mike Marciano, nhà khoa học pháp y tại Đại học Syracuse ở New York, nói rằng cuộc điều tra ở Hawaii có thể được hỗ trợ từ nguồn lực liên bang và các bang khác. Nguồn lực hỗ trợ có thể đến từ phòng xét nghiệm ADN của quân đội Mỹ, vốn được sử dụng để xác định hài cốt quân nhân thiệt mạng trong Thế chiến II. Họ có một phòng thí nghiệm trị giá 80 triệu USD tại căn cứ Trân Châu Cảng – Hickam trên đảo Oahu gần đó.
Dù vậy, ông Marciano nói quá trình này cũng không thể diễn ra nhanh chóng. “Nó sẽ kéo dài nhiều tuần và thậm chí tôi dự đoán là nhiều tháng, tùy thuộc vào nguồn lực hỗ trợ”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo BBC)
Để lại một phản hồi