“Tôi chưa thể chốt ngày xả nước thải ra đại dương, do quyết định chỉ được đưa ra sau khi toàn bộ chính phủ xem xét những biện pháp bảo đảm an toàn và tránh gây tổn hại danh tiếng cho ngành thủy sản”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên trong chuyến thăm nhà máy hạt nhân Fukushima hôm nay.
Thủ tướng Kishida thêm rằng ông sẽ gặp các quan chức ngành thủy sản, trong đó có chủ tịch Liên minh Hợp tác Ngư nghiệp Nhật Bản Masanobu Sakamoto, để bàn về tình hình. “Xả nước thải là bước đi then chốt trong nỗ lực đóng cửa nhà máy Fukishima Daiichi và hồi sinh Fukushima”, ông nói.
Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý xuống biển. Tokyo cho biết nước thải phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên và các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá kế hoạch xả nước phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan này cho rằng việc xả thải dần dần, có kiểm soát sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường.
Hàng loạt ngư dân Nhật Bản đã phản đối kế hoạch, do lo ngại điều này có thể đảo ngược nỗ lực cải thiện hình ảnh của ngành đánh cá nước này suốt nhiều năm qua.
Trung Quốc nhiều lần lên án kế hoạch xả thải của Nhật Bản, cáo buộc Tokyo nóng lòng xả thải ra đại dương để trút gánh nặng, thay vì quan tâm môi trường và sức khỏe con người. Giới chức nước này đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản, đồng thời áp đặt các biện pháp kiểm tra phóng xạ ngặt nghèo với sản phẩm nông nghiệp từ những địa phương khác.
Chính phủ Hàn Quốc xác nhận kế hoạch xả thải của Nhật bản an toàn, song các nghị sĩ đối lập và nhiều người dân nước này vẫn giữ quan điểm phản đối.
Vũ Anh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi