Thay tướng hạt nhân, Trung Quốc có thể củng cố lực lượng chiến lược

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31/7 bổ nhiệm ông Vương Hậu Bân làm Tư lệnh, ông Từ Tây Thịnh làm Chính ủy Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân (PLARF) thay thế người tiền nhiệm Lý Ngọc Siêu và Từ Trung Ba.

“Thay đổi này rất đáng chú ý”, Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại viện chính sách Trung tâm Stimson ở Washington, Mỹ, nhận định. “Đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng xây dựng lực lượng hạt nhân mạnh, đề phòng khả năng can thiệp tiềm tàng của Mỹ vào tình huống bất ngờ ở Đài Loan”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, hàng trước) cùng tân Tư lệnh PLARF Vương Hậu Bân (trái, hàng sau) và Chính ủy Từ Tây Thịnh (phải, hàng sau) tại Bắc Kinh ngày 31/7. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, hàng trước) cùng tân Tư lệnh PLARF Vương Hậu Bân (trái, hàng sau) và Chính ủy Từ Tây Thịnh (phải, hàng sau) tại Bắc Kinh ngày 31/7. Ảnh: Xinhua

Ông Vương trước đó là phó tư lệnh hải quân Trung Quốc, còn ông Từ đến từ lực lượng không quân, từng là phó chính ủy Chiến khu miền Nam, một trong 5 chiến khu của quân đội Trung Quốc. Cả hai đều mang hàm tướng nhưng chưa từng tham gia PLARF.

Việc bổ nhiệm tướng Vương và tướng Từ vào hai vị trí cao nhất trong PLARF khác với thông lệ trước đây là đặt lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan dày dạn kinh nghiệm trưởng thành từ lĩnh vực này.

Taylor Fravel, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, người đã có nhiều bài viết về quân đội Trung Quốc, nhận xét quyết định bổ nhiệm các quan chức ngoài lực lượng cho thấy đơn vị chiến lược này đang được mở rộng đáng kể, trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ xấu đi.

PLARF kiểm soát các chương trình tên lửa đất đối đất và hạt nhân thông thường của Trung Quốc, trong đó tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân với khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Bắc Kinh những năm gần đây tập trung tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân và đang trên đà sở hữu khoảng 1.500 đầu đạn vào năm 2035, từ khoảng 400 hiện nay, Lầu Năm Góc cho biết trong một báo cáo năm ngoái.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền và phát động chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc, quy mô tổng thể của quân đội nước này bị cắt giảm, nhưng PLARF vẫn được mở rộng, phản ánh tầm quan trọng của lực lượng này đối với Bắc Kinh trong chiến lược coi tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân như công cụ hữu hiệu để răn đe Mỹ, đồng thời phát triển kho tên lửa thông thường để sử dụng trong bất cứ cuộc xung đột nào.

Ông Tập từng giao lực lượng quan trọng này vào tay tư lệnh Lý Ngọc Siêu, sĩ quan được coi là một thân tín của ông. Quyết định thay thế tướng Lý Ngọc Siêu có thể phát đi thông điệp rằng ông Tập ưu tiên thổi luồng gió mới vào PLARF và không thể hiện tư duy “ưu tiên người thân cận”.

“Việc thay thế tướng Lý đánh dấu một trong những cuộc cải tổ lãnh đạo sâu sắc nhất của Trung Quốc trong nhiều năm qua”, Craig Singleton, thành viên cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, trụ sở tại Washington, cho hay.

Quyết định thay đổi nhân sự được công bố một ngày trước khi Trung Quốc kỷ niệm 96 năm thành lập quân đội. Trong bài bình luận hôm 1/8 đánh dấu lễ kỷ niệm, nhật báo của quân đội Trung Quốc kêu gọi tất cả quân nhân góp sức giữ vững vị thế “nòng cốt” của ông Tập trong ban lãnh đạo đảng và kiên trì nỗ lực thực thi kỷ luật cũng như chống tham nhũng trong lực lượng vũ trang.

Giới phân tích đánh giá động thái thay tướng PLARF dường như cũng nhằm củng cố mục tiêu này.

Truyền thông Trung Quốc không nêu lý do thay đổi nhân sự hay nhắc đến cựu tư lệnh PLARF Lý Ngọc Siêu và cựu chính ủy Từ Trung Ba. Hai tướng này không xuất hiện trước công chúng suốt nhiều tuần qua.

SCMP tuần trước đưa tin ông Lý cùng cấp phó và một phó tư lệnh tiền nhiệm, đang bị cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc điều tra. Quân đội Trung Quốc cũng thông báo đang điều tra những vụ tham nhũng liên quan tới các gói thầu mua sắm trang bị và hành vi “kết bè phái” từ năm 2017, cũng như việc rò rỉ thông tin mật, nhưng không nêu chi tiết.

Ông Tập thăm Lực lượng Tên lửa ở Bắc Kinh hồi năm 2016. Ảnh: Xinhua

Ông Tập thăm Lực lượng Tên lửa ở Bắc Kinh hồi năm 2016. Ảnh: Xinhua

Ông Tập từ năm 2012 đã chỉ đạo thực hiện chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, đặc biệt đối với quân đội Trung Quốc, trừng phạt một số chỉ huy cấp cao, trong đó có cựu tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy, người bị kết án tù chung thân vào năm 2019.

Các chuyên gia quân sự cho rằng những động thái như vậy là cần thiết với nỗ lực của ông Tập nhằm biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng chiến đấu hiện đại.

Theo Singleton, những nghi vấn về hành vi tham nhũng trong PLARF nếu không được giải quyết triệt để có thể làm chậm hoặc phức tạp thêm quá trình Trung Quốc nâng cấp sức mạnh của lực lượng tên lửa.

“Tôi cho rằng điều này có thể làm gián đoạn quá trình hiện đại hóa lực lượng”, David C. Logan, phó giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, Mỹ, bình luận. “Những bất ổn như vậy sẽ không bao giờ tốt khi bạn đang thực hiện những thay đổi quy mô lớn và những thay đổi diễn ra trong Lực lượng Tên lửa là rất đáng kể”.

Carl Schuster, cựu quan chức cấp cao tại Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết việc cải tổ PLARF có khả năng là một phần trong nỗ lực của ông Tập nhằm đảm bảo lòng trung thành tuyệt đối từ những người nắm giữ các vị trí quyền lực nhất PLA.

Giới phân tích cũng nhận định việc cải tổ PLARF còn cho thấy một bước thay đổi rõ rệt trong chiến lược hạt nhân của ông Tập, hướng tới tích hợp cái gọi là “bộ ba hạt nhân”, gồm tên lửa hạt nhân từ trên không, trên biển và trên bộ, vào cùng một hệ thống chỉ huy.

“Để có khả năng răn đe hạt nhân hiện đại và hiệu quả, Trung Quốc cần đạt được cấu trúc thống nhất của bộ ba hạt nhân. Nó liên quan nhiều hơn đến việc đưa vũ khí hạt nhân lên máy bay và tàu ngầm, thay vì chỉ triển khai trên đất liền”, Alexander Neill, chuyên gia tại viện nghiên cứu Diễn đàn Thái Bình Dương, trụ sở tại Singapore, nhận xét.

Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5B đi qua Quảng trường Thiên An Môn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Reuters

Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5B đi qua Quảng trường Thiên An Môn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Reuters

Chang Ching, nhà phân tích tại Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở tại Đài Loan, cho hay việc Chủ tịch Tập lựa chọn các cựu lãnh đạo hải quân và không quân để dẫn dắt PLARF cho thấy ông đang xây dựng một hệ thống chỉ huy thống nhất sẽ kết hợp kho vũ khí hạt nhân ở cả ba lực lượng vũ trang.

“Quân đội Trung Quốc cuối cùng sẽ tích hợp năng lực tấn công và phòng thủ hạt nhân cho hải quân và không quân. Đây là một xu thế tất yếu. Trung Quốc cuối cùng cũng hướng tới một lực lượng hạt nhân với chuỗi chỉ huy thống nhất ba trong một”, Chang nói.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, CNN, CNBC)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*