Triều Tiên nói lính Mỹ vượt biên muốn xin tị nạn

“Trong quá trình điều tra, Travis King thú nhận rằng anh quyết định đến Triều Tiên vì cảm thấy khó chịu trước sự đối xử vô nhân đạo và phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin hôm nay.

Theo KCNA, các binh sĩ đã bắt giam King sau khi người này xâm phạm Triều Tiên từ Khu An ninh Chung (JSA) với Hàn Quốc và “cơ quan liên quan” đang điều tra sự việc. King bày tỏ mong muốn được tị nạn ở Triều Tiên hoặc một quốc gia thứ ba, thêm rằng anh “đã vỡ mộng trước sự bất bình đẳng trong xã hội Mỹ”.

JSA, còn được biết với tên làng đình chiến Panmunjom, nằm ở phía tây của Khu phi quân sự (DMZ), dải đất dài 250 km và rộng 4 km phân chia hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Đây là nơi duy nhất người Hàn Quốc và Triều Tiên có thể “mặt đối mặt” và Seoul cũng cho phép mở tour du lịch tới khu vực.

Lầu Năm Góc ngày 15/8 cho biết họ không thể xác thực các bình luận được cho là của King mà truyền thông Triều Tiên đăng tải. “Chúng tôi vẫn tập trung vào nỗ lực đưa binh sĩ King về nhà an toàn. Chúng tôi đang làm việc qua tất cả các kênh khả thi để đạt mục tiêu đó”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói.

Binh sĩ Mỹ Travis King. Ảnh: WISN

Binh sĩ Mỹ Travis King. Ảnh: WISN

Binh nhì King vượt biên sang Triều Tiên ngày 18/7 khi đang chờ bị dẫn giải về nước chịu kỷ luật vì có các hành động gây gổ, hành hung, phá hoại xe cảnh sát trong thời gian đồn trú ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi được hai sĩ quan áp giải qua cửa an ninh sân bay, King bằng cách nào đó đã quay ngược trở lại và nhập vào một đoàn du khách tới JSA rồi vượt biên sang Triều Tiên.

King, người gia nhập quân đội Mỹ vào tháng 1/2021, là binh sĩ Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên kể từ năm 1982. Lính Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên nổi tiếng nhất là Charles Jenkins, trung sĩ quân đội Mỹ vượt biên vào Triều Tiên năm 1962 khi đóng quân tại đơn vị gần DMZ.

Giới chức Mỹ được cho là đang tranh luận liệu có coi King là tù binh hay không, nhưng chưa ra quyết định cuối cùng. Nếu được xem là tù binh, King có thể được bảo vệ theo Công ước Geneva, văn bản đưa ra hướng dẫn nghiêm ngặt cho bên ký kết về cách đối xử với tù binh. Mỹ và Triều Tiên đều là các bên ký kết công ước.

Như Tâm (Theo Reuters, Yonhap)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*