“Tôi biết bà sẽ không tha thứ, nhưng tôi vẫn mong được tha thứ”, trung sĩ Vadim Shishimarin, 21 tuổi, nói với vợ của người đàn ông mà anh này thừa nhận đã sát hại, tại phiên tòa ở Kiev, Ukraine, hôm nay.
Shishimarin, đến từ tỉnh Irkutsk ở Siberia mặc áo hoodie màu xanh và xám, cúi mặt, đầu tựa vào khung kính khi bà Kateryna Shelipova ra làm chứng về cái chết của chồng. Trong phiên xét xử hôm 18/5, khi được hỏi liệu có thừa nhận các cáo buộc, bao gồm phạm tội ác chiến tranh và cố ý giết người, Shishimarin trả lời “có”.
Shishimarin khai trước tòa rằng đã bắn người đàn ông này khi đang cùng một số binh sĩ Nga khác rút lui và cố trở về các đơn vị của họ ở Nga. Một người không phải chỉ huy đã ra lệnh cho anh ta bắn dân thường này.
“Anh ta bắt đầu nói bằng giọng điệu cương quyết rằng tôi nên bắn, rằng sẽ nguy hiểm nếu tôi không làm vậy”, Shishimarin nói. “Tôi đã bắn ông ấy ở cự ly ngắn và phát súng đã giết chết ông ấy”.
Ukraine cáo buộc Shishimarin và 4 binh sĩ Nga khác hôm 28/2 đánh cắp một chiếc ôtô của người dân ở Ukraine để rời đi sau khi đoàn xe của họ bị tấn công. Khi lái xe tới làng Chupakhivka, tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine, nhóm binh sĩ Nga nhìn thấy một người dân thường 62 tuổi đang đi xe đạp và nói chuyện điện thoại trên đường.
Theo cáo trạng của Ukraine, Shishimarin đã sát hại dân thường này để ngăn ông báo cáo về sự xuất hiện của binh sĩ Nga trong khu vực. Binh sĩ này bị tố đã dùng súng trường Kalashnikov nhắm bắn từ ôtô, khiến dân thường Ukraine thiệt mạng.
Kiev không cho biết Shishimarin đã bị bắt ra sao. Nếu bị kết tội, Shishimarin có thể đối mặt án tù chung thân. Trường hợp của anh đánh dấu lần đầu tiên Ukraine xét xử lính Nga với cáo buộc “tội ác chiến tranh” kể từ khi xung đột nổ ra vào 24/2.
Nga chưa bình luận về phiên tòa ở Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 18/5 cho biết không nhận được thông tin về trường hợp của Shishimarin và cũng bị hạn chế khả năng hỗ trợ do thiếu cơ quan đại diện ngoại giao.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ và Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế, tù nhân chiến tranh không thể bị truy tố với lý do họ tham gia trực tiếp vào xung đột vũ trang. Tuy nhiên, những người này có thể bị truy tố khi phạm tội ác chiến tranh.
Tội ác chiến tranh chỉ các hành vi vi phạm luật quốc tế trong lúc chiến đấu và kiểm soát lãnh thổ của đối phương, như cố ý nhắm mục tiêu vào thường dân, tấn công vào bệnh viện, trường học và các di tích lịch sử.
Giới chức Ukraine đã thúc đẩy các nỗ lực điều tra cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh. Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova thông báo họ dự kiến xét xử 41 binh sĩ Nga với cáo buộc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, sát hại, cướp bóc và cưỡng hiếp dân thường. Không rõ bao nhiêu binh sĩ Nga bị xét xử ở Ukraine và bao nhiêu người sẽ bị xử vắng mặt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã thiết lập cơ chế đặc biệt điều tra “tội ác của Nga” với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, Moskva liên tục bác bỏ cáo buộc của Kiev và phương Tây, đồng thời cho rằng Ukraine chính là bên phạm tội ác và dàn dựng cảnh dân thường chết chóc. Moskva cũng nhiều lần khẳng định chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự. APđưa tin Nga cũng đang chuẩn bị các phiên toà xét xử “tội ác chiến tranh” nhằm vào binh sĩ Ukraine.
Huyền Lê (Theo AFP, CNN)
Để lại một phản hồi