Triều Tiên phóng vệ tinh quân sự thất bại

“Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) của Triều Tiên tổ chức phóng vệ tinh trinh sát Malligyong-1 lần hai trên tên lửa đẩy loại mới Chollima-1 tại bãi phóng vệ tinh Sohae ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan vào rạng sáng 24/8”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin.

Theo KCNA, tên lửa đẩy hoạt động bình thường ở giai đoạn một và hai. Tuy nhiên, “lỗi hệ thống kích nổ khẩn cấp ở giai đoạn ba khiến vụ phóng không thành công”.

NADA khẳng định sự cố nói trên không phải là vấn đề lớn. Cơ quan này thông báo dự kiến phóng vệ tinh trinh sát tiếp theo vào tháng 10, sau khi tìm hiểu kỹ nguyên nhân sự cố ngày 24/8 và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa.

Tên lửa Malligyong-1 mang vệ tinh quân sự rời bãi phóng tại huyện Cholsan ngày 31/5. Ảnh: KCNA

Tên lửa Malligyong-1 mang vệ tinh quân sự rời bãi phóng tại huyện Cholsan ngày 31/5. Ảnh: KCNA

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết vụ phóng diễn ra vào khoảng 3h50 (1h50 giờ Hà Nội) ngày 24/8, tên lửa của Triều Tiên bay qua không phận quốc tế trên Hoàng Hải. “Quân đội chúng tôi đang duy trì tư thế sẵn sàng chiến đấu và phối hợp chặt chẽ với Mỹ”, JCS thông báo.

Triều Tiên ngày 22/8 thông báo cho cảnh sát biển Nhật Bản rằng họ dự kiến phóng vệ tinh vào ngày 24-31/8. Nhật Bản sau đó điều động chiến hạm và tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-3 để phòng ngừa mảnh vỡ rơi vào lãnh thổ nước này.

Triều Tiên phóng vệ tinh vài ngày sau khi lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc cùng Nhật Bản gặp nhau tại Trại David. Vụ phóng cũng diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung mang tên Lá chắn Tự do Ulchi ngày 21/8 và dự kiến kéo dài 11 ngày.

Hồi tháng 5, Triều Tiên dùng tên lửa đẩy Chollima-1 phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên, song phương tiện rơi xuống biển vài phút sau khi cất cánh. Hàn Quốc sau đó tổ chức hoạt động trục vớt kéo dài 36 ngày để tìm mảnh vỡ tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên. Các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc phân tích mảnh vỡ và kết luận vệ tinh Triều Tiên phóng khi đó không có năng lực trinh sát.

Hoạt động quân sự của các bên gần đây khiến căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên leo thang. Mỹ triển khai nhiều vũ khí và phương tiện chiến lược tới Hàn Quốc, cũng như tổ chức nhiều cuộc diễn tập chung với Hàn Quốc và Nhật Bản để thể hiện năng lực quân sự trước Triều Tiên.

Triều Tiên chỉ trích các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc đẩy tình hình khu vực “đến thảm họa không thể đảo ngược và bờ vực chiến tranh hạt nhân”. Những hoạt động này đi quá giới hạn chịu đựng của Triều Tiên và họ sẽ đáp trả bằng cách thể hiện năng lực răn đe “thông qua hoạt động tấn công”.

Bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận. Đồ họa: CSIS

Bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận. Đồ họa: CSIS

Nguyễn Tiến (Theo KCNA, AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*