“Lực lượng của chúng tôi ở đây là có lý do”, Phó đô đốc Thomas hôm nay nói. “Bạn phải thách thức những người đang hoạt động trong vùng xám. Khi họ ngày càng tiến xa hơn và dồn ép bạn, bạn phải đẩy lùi họ, bạn phải ra khơi và hành động”.
“Thực sự không có ví dụ nào về hành vi hung hăng xác đáng hơn hành động xảy ra hôm 5/8”, ông nói thêm, đề cập đến sự việc hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Tư lệnh Hạm đội 7 cho biết ông đã thảo luận với Phó đô đốc Alberto Carlos, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines phụ trách giám sát tình hình Biển Đông, “để hiểu những thách thức” của Manila là gì và “tìm cách giúp đỡ”.
“Tôi muốn đảm bảo ông ấy (Phó đô đốc Carlos) hiểu những gì chúng tôi có sẵn”, Phó đô đốc Thomas nói.
Hạm đội 7, có trụ sở chính tại Nhật Bản, vận hành tới 70 tàu chiến, sở hữu khoảng 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ. Họ hoạt động trên diện tích 124 triệu km2 từ các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1999, hải quân Philippines cho ủi tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre lên bãi Cỏ Mây, biến nó thành một tiền đồn để duy trì hiện diện trái phép ở khu vực. Quân đội Philippines triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú trên tàu chiến này và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Sự việc hôm 5/8 không phải lần đầu Trung Quốc cản trở tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây. Hồi tháng 11/2021, ba tàu hải cảnh Trung Quốc cũng chặn đường, chiếu đèn pha và xịt vòi rồng ngăn cản, buộc các tàu tiếp tế Philippines phải hủy nhiệm vụ và quay về.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi