Sau hơn 7 tháng chiến sự ở Ukraine, Na Uy ngày càng trở thành trung tâm an ninh năng lượng của châu Âu. Quốc gia Scandinavia này đã thay Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU).
Các vụ rò rỉ đường ống dẫn Nord Stream cuối tháng trước không khiến EU quá lo ngại về khủng hoảng nguồn cung, khi châu Âu đã tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, đồng thời một đường ống mới nối từ Na Uy tới Ba Lan đã được khai trương cùng tuần.
Các quốc gia EU hiện đặt niềm tin vào Na Uy để vượt qua những tháng mùa đông lạnh giá và giúp lấp đầy kho dự trữ của họ trong nhiều năm tới. Nhưng ngay cả khi Oslo tăng cường xuất khẩu sang châu Âu, quốc gia này vẫn phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt từ các nước đối tác.
Tác động từ xung đột Ukraine đang giúp Na Uy tăng doanh thu từ bán khí đốt là điều không thể chối cãi. Na Uy là một quốc gia có vị thế lớn trong ngành dầu khí. Oslo dự kiến thu về khoảng 109 tỷ USD từ dầu khí trong năm nay, nhiều hơn 82 tỷ USD so với năm 2021. Phần lớn trong số đó sẽ được chuyển đến quỹ đầu tư quốc gia, nơi hiện có hơn một nghìn tỷ USD.
Nhiều người chỉ trích doanh thu từ năng lượng của Na Uy là “bẩn thỉu”. Thủ tướng Ba Lan đã kêu gọi Na Uy chia sẻ lợi nhuận “dư thừa, khổng lồ” của họ với Ukraine, cáo buộc Oslo gián tiếp trục lợi từ cuộc khủng hoảng.
Giới chức Na Uy bác bỏ cáo buộc trục lợi. Họ coi giá năng lượng cao là kết quả không thể tránh khỏi khi thị trường khí đốt khan hiếm. Họ thêm rằng Na Uy ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga của EU, viện trợ quân sự cho Ukraine và nỗ lực để giúp các nước châu Âu có khí đốt.
Tranh cãi này đã trở thành tâm điểm trong tuần qua, khi Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cùng các lãnh đạo châu Âu tham gia hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Prague, Cộng hòa Czech. Trọng tâm của cuộc họp là thảo luận về xung đột Ukraine và phản ứng của châu Âu. Brussels và Oslo sau đó cho biết họ đã đồng ý “cùng nhau phát triển các công cụ” để ổn định thị trường năng lượng và giảm giá thành, nhưng không công bố chi tiết.
Trong nhiều tháng qua, một nhóm nhỏ nhà lập pháp Na Uy đã kêu gọi chuyển phần lợi nhuận vượt trội từ dầu khí năm 2022 vào “quỹ đoàn kết” ở châu Âu. Họ cho rằng sẽ không công bằng và không khôn ngoan khi hưởng lợi trong khi người dân Ukraine đang khổ sở, các nền kinh tế châu Âu đứng bên bờ vực suy thoái và giá hàng hóa cao ảnh hưởng tới các nước đang phát triển.
“Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc chiến năng lượng ở châu Âu không phải lỗi của chúng tôi. Nhưng chúng tôi có thể quyết định những gì cần làm với số tiền kiếm được”, Lan Marie Nguyen Berg, nghị sĩ quốc hội Na Uy đại diện cho đảng Xanh, nói.
EU đã nhất trí áp thuế thu nhập đối với một số nhà sản xuất năng lượng và “khoản đóng góp đoàn kết” từ các công ty nhiên liệu hóa thạch. Số tiền này sẽ được sử dụng để giảm bớt tác động của giá điện cao đối với người tiêu dùng EU. Một số hy vọng rằng Na Uy, quốc gia không thuộc EU, sẽ quyết định tham gia hoặc làm việc với khối về các biện pháp, như áp giá trần khí đốt.
Nhưng chính phủ Na Uy tỏ ra ít mặn mà với các ý tưởng trên, theo các nhà quan sát. Khi được hỏi về giá khí đốt cao, các quan chức Na Uy nói đó là vấn đề của ngành công nghiệp năng lượng, nhưng các lãnh đạo ngành này lại đẩy quả bóng trách nhiệm về phía chính phủ.
Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Andreas Bjelland Eriksen phủ nhận cáo buộc Na Uy đang thu lợi quá mức từ xung đột, nhấn mạnh rằng giá năng lượng cao cũng gây tổn hại cho chính quốc gia này. Eriksen lưu ý xuất khẩu khí đốt của Na Uy sang châu Âu chỉ tăng 8% so với năm trước.
Một số người Na Uy thậm chí đặt câu hỏi tại sao họ phải cứu trợ các quốc gia như Đức, vốn đã trở nên giàu có bằng cách dựa vào khí đốt và dầu mỏ giá rẻ của Nga.
Phía hậu trường, nhiều quan chức và nhà ngoại giao EU cũng thừa nhận họ cảm thấy khó xử khi khối này năm 2021 yêu cầu Na Uy không khai thác dầu khí ở Bắc Cực để tránh góp phần gây biến đổi khí hậu, nhưng năm 2022 lại đòi hỏi Oslo giảm giá nhiên liệu hóa thạch.
Tại Stavanger, trung tâm ngành dầu khí của Na Uy, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã mang lại vận may.
Việc phát hiện dầu mỏ ngoài khơi vào cuối những năm 1960 đã biến dải đất ven biển bình thường này trở thành địa điểm quan trọng và giúp Na Uy trở nên giàu có. Nhưng những lo ngại về biến đổi khí hậu đã đặt ra dấu hỏi lớn về tương lai của thành phố Stavanger, cho đến khi chiến sự Ukraine bùng nổ.
“Chúng tôi đã đi từ con số 0 thành người hùng trong một thời gian ngắn”, Kolbjorn Andreassen, giám đốc truyền thông của hiệp hội công nghiệp Offshore Norge ở Stavanger, cho hay. “Mọi người từng không để ý đến vai trò của chúng tôi trong an ninh năng lượng. Họ chỉ xem chúng tôi là những người phát thải khí gây ô nhiễm. Nhưng giờ châu Âu nhận ra họ thực sự cần chúng tôi đến mức nào”.
Nhu cầu cao, trong khi nguồn cung thấp đã khiến giá năng lượng leo thang, điều mà Andreassen và những người khác trong lĩnh vực dầu khí của Na Uy xem là thực tế hiển nhiên của cuộc sống.
“Tôi từng thấy giá tăng giảm ra sao trong nhiều thập kỷ qua”, Frode Leversund, giám đốc điều hành Gassco, nhà điều hành đường ống dẫn lớn của Na Uy sang châu Âu, cho hay.
“EU phàn nàn về giá cả, nhưng đây là giá theo thị trường”, Bjorn Vidar Leroen, một người có nhiều kinh nghiệm về ngành công nghiệp khí đốt Na Uy và là tác giả của cuốn sách lịch sử về mỏ khí Troll, nói. “Đây là cái giá mà hôm nay bạn phải trả”.
Cuốn sách của Leroen được xuất bản trong những năm 1990, kể về câu chuyện của những người đã phát hiện ra một trong những mỏ khí lớn nhất Na Uy và quyết định phát triển nó một cách hợp lý, khi dành phần lớn doanh thu cho quỹ đầu tư quốc gia.
Lời tựa của cuốn sách, được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người khi đó là bộ trưởng công nghiệp và năng lượng Na Uy viết, dự đoán mối quan hệ bền chặt giữa người mua và người bán sẽ duy trì dòng chảy khí đốt từ Na Uy đến châu Âu “trong nhiều thế hệ”.
Nhưng trong 20 năm qua, châu Âu đã tự do hóa thị trường khí đốt, chuyển từ hợp đồng dài hạn giữa người mua và người bán sang thị trường giao ngay. Cuộc chiến Ukraine đã khiến giá khí đốt giao ngay tăng vọt, dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại.
Leroen ít cảm thông với những người mua châu Âu. “Nếu họ chỉ chọn các hợp đồng dài hạn, giá sẽ thấp hơn”, ông nói.
Ông thêm rằng châu Âu cũng không nhanh chóng viện trợ cho Na Uy vào năm 2014, khi giá dầu giảm dẫn tới tình trạng thất nghiệp và bất ổn trên thị trường lao động nước này. “Khi đó có ai ở Brussels tuyên bố ‘chúng ta có thể làm gì để giúp Na Uy’ hay không?”, ông nói.
Nhưng khi chính phủ Na Uy thu lợi nhuận cao từ khí đốt, nhiều người dân bình thường ở nước này đang lâm vào cảnh khó khăn.
Cách không xa đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu ở Stavanger, chủ cửa hàng Ingunn Johannessen đang rút phích cắm tủ đông và lo lắng về mùa đông phía trước.
Kể từ năm 1851, gia đình Johannessen đã kinh doanh một cửa hàng tạp hóa nhỏ, bán từ thực phẩm cho tới đồ câu cá và vật dụng khác cho những cư dân sống dọc vịnh Fjord. Johannessen đã vượt qua nhiều thăng trầm và đại dịch, nhưng giá thực phẩm và giá điện quá cao hiện nay khiến tình hình thực sự khó khăn.
“Tôi rất bực bội với hóa đơn điện”, bà nói.
Johannessen cho biết giống nhiều người khác, bà đang dõi theo chiến sự ở Ukraine và tự hỏi liệu cuộc xung đột có phải là nguyên nhân duy nhất gây khó khăn cho công việc kinh doanh hay không.
“Ai cũng có thể tăng giá mọi mặt hàng và tuyên bố rằng đó là lỗi của ông Putin”, bà nói.
Chính quyền địa phương đã kiếm được rất nhiều tiền từ nhà máy khí đốt Gassco gần đó và bà Johannessen muốn họ làm nhiều hơn nữa để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động. “Số tiền đó nên đến tay những người cần chúng”, bà nói.
Ingrid Liland, phó lãnh đạo đảng Xanh, bày tỏ hy vọng các công ty Na Uy ký kết hợp đồng dài hạn hơn với EU, giúp mang về nguồn thu ổn định, trong khi cho phép khách hàng hưởng mức giá thấp hơn. Anh được cho là đang nghiên cứu ý tưởng này.
Tuy nhiên, các hợp đồng dài hạn cũng có thể gây tổn hại cho mục tiêu khí hậu của Na Uy. Liland hy vọng chính phủ sẽ thể hiện được tinh thần đoàn kết với châu Âu mà không phải hy sinh các mục tiêu riêng về chống biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi có lịch sử đóng góp vai trò tích cực trong giải quyết xung đột. Chúng tôi có thể đảm nhận vai trò này một lần nữa”, bà nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
- Nga có thể thất thế trong cuộc chiến năng lượng với châu Âu
- Thế khó của châu Âu khi kêu gọi dân tiết kiệm khí đốt
- Huyết mạch kinh tế châu Âu đối mặt nguy cơ bị cắt điện
- Yếu tố có thể định đoạt bài toán khí đốt của châu Âu
- Lựa chọn của châu Âu khi Nga cắt khí đốt
Để lại một phản hồi