Ba Lan ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine

“Chúng tôi không còn chuyển bất cứ vũ khí nào cho Ukraine, vì đang tập trung trang bị những khí tài hiện đại hơn cho chính Ba Lan. Chúng tôi hành động dựa trên nguyên tắc ‘nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh'”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói trên truyền hình hôm 20/9.

Ông Morawiecki đưa ra phát biểu khi được hỏi liệu Warsaw có duy trì ủng hộ Kiev giữa lúc hai nước căng thẳng vì nông sản hay không.

Bộ Ngoại giao Ba Lan trước đó triệu Đại sứ Ukraine Vasyl Zvarych để phản đối phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người nói rằng “các sân khấu chính trị” xung quanh hoạt động nhập khẩu nông sản chỉ làm lợi cho Nga.

Xe tăng T-72 Ba Lan viện trợ cho Ukraine tham chiến tại Donetsk hồi năm 2022. Ảnh: Twitter/UAWeapons

Xe tăng T-72 Ba Lan viện trợ cho Ukraine tham chiến tại Donetsk hồi năm 2022. Ảnh: Twitter/UAWeapons

Ba Lan là một trong những đồng minh ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine từ khi chiến sự bùng phát đầu năm 2022. Warsaw đã cung cấp hơn 3,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, cung cấp nhiều tiêm kích MiG-29, xe tăng và thiết giáp, khí tài hạng nặng cùng đạn dược.

Ba Lan cũng tiếp nhận khoảng một triệu người tị nạn Ukraine, bảo vệ Kiev trên các diễn đàn quốc tế, biến lãnh thổ của mình thành nơi tập kết vũ khí phương Tây trước khi chuyển cho Ukraine.

Tuy nhiên, hai nước đã bất đồng sâu sắc vì lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine.

Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới trước chiến sự. Sau khi tuyến vận chuyển qua Biển Đen bị hạn chế, Kiev chủ yếu dựa vào xuất khẩu ngũ cốc qua các nước láng giềng. Làn sóng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào các nước Liên minh châu Âu (EU) đã khiến thị trường nội địa của những quốc gia này lao đao.

EU hồi tháng 5 áp lệnh cấm nông sản Ukraine xuất khẩu vào 5 nước láng giềng Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia để bảo vệ nông dân địa phương. Theo lệnh cấm, 4 loại nông sản xuất khẩu Ukraine gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương chỉ được phép đi qua lãnh thổ các nước láng giềng khi chúng được bán ở nơi khác.

Lệnh của EU hết hạn hôm 15/9, nhưng Ba Lan, Slovakia và Hungary lập tức ra tuyên bố duy trì các lệnh cấm đơn phương, bất chấp quyết định của khối. Warsaw, Bratislava và Budapest khẳng định họ hành động vì lợi ích của nền kinh tế và bảo vệ nông dân khỏi tình trạng dư thừa sản phẩm.

Đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka hôm 18/9 cho rằng các biện pháp của Ba Lan sẽ ảnh hưởng đáng kể hàng xuất khẩu của Ukraine. Ông cũng cảnh báo Ukraine có thể thể áp đặt biện pháp tương ứng với Ba Lan nếu Warsaw không dỡ bỏ lệnh cấm bổ sung, như cấm nhập khẩu trái cây, rau quả từ Ba Lan.

Vũ Anh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*