Trạm dẫn khí đốt của Công ty Gasum ở thị trấn Imatra, phía Đông Phần Lan. Ảnh: AFP |
Gasum, công ty bán buôn khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Phần Lan, nêu trong một tuyên bố vào ngày 20/5 rằng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ bị tạm dừng vào ngày 21/5.
Cụ thể Gasum cho biết: “Vào chiều ngày 20/5, Gazprom Export (công ty trực thuộc Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga) đã thông báo với Gasum rằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan theo hợp đồng của Gasum sẽ bị cắt vào lúc 07:00 ngày 21/5/2022”.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Gasum, ông Mika Wiljanen, khẳng định rằng công ty đã chuẩn bị cho tình huống như vậy “và miễn sao hệ thống truyền dẫn khí đốt sẽ không bị gián đoạn, chúng tôi sẽ vẫn có thể cung cấp khí đốt cho tất cả khách hàng của mình trong những tháng tới”.
“Gasum sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho khách hàng từ các nguồn khác thông qua đường ống Balticconnector. Các trạm nạp khí của Gasum trong mạng lưới khí đốt sẽ tiếp tục hoạt động bình thường”, ông Mika Wiljanen nói thêm.
Trước đó vào tháng 4, Tập đoàn Gazprom cũng thông báo với Ba Lan và Bulgaria rằng họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt sau khi hai quốc gia này từ chối yêu cầu của Moscow về việc thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.
Gasum không đưa ra lý do cho động thái trên, nhưng Phần Lan cũng được cho là đã từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Và động thái trên diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO.
Trước đó, Nga cảnh báo sẽ trả đũa nếu Phần Lan – quốc gia lâu nay có quan điểm trung lập – gia nhập liên minh quân sự NATO.
Với việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc mở rộng của NATO “là một vấn đề”.
Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự ở Thụy Điển và Phần Lan, nhưng cũng khẳng định Moscow “không có vấn đề gì” với hai quốc gia này.
Trong khi đó, việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO đang vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952 và quốc gia này hiện có lực lượng quân đội lớn mạnh thứ hai trong liên minh quân sự này, chỉ sau Mỹ. Điều cần lưu ý nữa là việc bổ sung thành viên cho NATO phải có được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên hiện nay.
Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt các thành viên của Đảng Công nhân Kurd (PKK) đang tá túc tại Thụy Điển và Phần Lan vào danh sách nhóm khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng Thụy Điển và Phần Lan là “nơi có nhiều tổ chức khủng bố”.
Ông Erdogan cũng ám chỉ việc NATO chấp nhận Hy Lạp là thành viên vào năm 1952 là một “sai lầm”. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đối đầu nhiều năm qua và đã từng chiến đấu chống lại nhau ngay cả khi đang là thành viên NATO.
“Với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi không muốn lặp lại những sai lầm tương tự. Hơn nữa, một số quốc gia Scandinavia (một vùng của Bắc Âu) là chỗ trú chân của các tổ chức khủng bố”, Tổng thống Erdogan nói. “Họ thậm chí còn là thành viên Quốc hội ở một số quốc gia”, ông Erdogan cho biết thêm.
Để lại một phản hồi