Sau cuộc hội đàm ngày 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden thông báo Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, sau 10 năm hai nước thiết lập Đối tác toàn diện.
PGS. TS Trần Nam Tiến, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng đây là cấp độ cao nhất trong chính sách đối ngoại quốc gia của Việt Nam, đồng thời phần nào thể hiện thay đổi trong nhận thức của Mỹ về yếu tố “chiến lược” trong quan hệ đối tác với các nước.
Các khái niệm về cấp độ đối tác bắt đầu được thảo luận trong quá trình Việt Nam đổi mới đường lối đối ngoại từ thập niên 1990, khôi phục quan hệ và hàn gắn với hàng loạt quốc gia, nhanh chóng hội nhập với khu vực và quốc tế.
Tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 9 vào tháng 4/2001, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu. Điều đó đặt ra nhu cầu thiết lập các quan hệ Đối tác Chiến lược, sau đó là cấp độ ưu tiên cao hơn, nhằm phát triển và đảm bảo lợi ích của Việt Nam trên ba phương diện là an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế.
Việt Nam xác định trong các quan hệ Đối tác Chiến lược, cả ba phương diện an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế có tầm quan trọng như nhau. Yếu tố “chiến lược” không chỉ mang nội hàm về an ninh như nhận thức thường thấy ở tư duy đối ngoại của nhiều quốc gia khác.
Trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, một số chủ thể có hợp tác sâu rộng với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đan xen về lợi ích nhưng chưa đạt được đến mức độ “chiến lược” như định nghĩa ban đầu, thường là xuất phát từ sự khác biệt quan điểm giữa hai bên.
Từ thực tiễn này, Việt Nam xác lập cấp quan hệ “Đối tác Toàn diện” với ý nghĩa đây là khuôn khổ để khởi đầu cho những hợp tác chiến lược. Việt Nam sau đó thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện với 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, nhằm nhấn mạnh các mặt hợp tác toàn diện, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.
Tư duy đối ngoại của Việt Nam là không đưa vấn đề an ninh lên hàng đầu trong quan hệ Đối tác Chiến lược, mà nó phải cùng lúc đảm bảo phục vụ hai mục tiêu còn lại về thịnh vượng và vị thế quốc tế.
Trong khi đó, Mỹ từng coi hợp tác chặt chẽ về phương diện an ninh và quốc phòng là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ “chiến lược” với các nước khác, điển hình là Arab Saudi.
Mỹ và Arab Saudi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược hơn 80 năm qua, trong đó quan hệ an ninh luôn được đề cao. Arab Saudi là khách hàng nước ngoài mua vũ khí nhiều nhất của Mỹ, với tổng giá trị vũ khí hơn 100 tỷ USD, theo thống kê của Nhà Trắng. Từ những năm 1950, lực lượng công binh Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các công trình dân sự và quân sự ở Arab Saudi.
Theo PGS. TS Trần Nam Tiến, trước cột mốc Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, hai nước trên thực tế đã hội đủ nhiều yếu tố để xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Song sự khác biệt về nhận thức với yếu tố “chiến lược” trong quan hệ đối ngoại có thể đã trở thành rào cản kìm chân nỗ lực từ hai phía.
Tuy nhiên, các đời chính quyền Mỹ những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đã có bước chuyển biến lớn về nhận thức, không còn xem phương diện an ninh là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ chiến lược.
Trong các văn bản chiến lược về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, bên cạnh các quan hệ “đồng minh chiến lược” mà Mỹ đã triển khai từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Washington đã đưa ra một cách tiếp cận khác là “đối tác mới”.
Phía Mỹ dường như nhận ra rằng không phải đối tác nào cũng có mong muốn chú trọng yếu tố an ninh quốc phòng để quan hệ song phương có thể phát triển đến cấp độ chiến lược. Từ đó, Mỹ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác mới mang tính chất bình đẳng hơn, không lấy quân sự, an ninh làm trọng tâm.
Điều này được thể hiện rõ ràng khi Mỹ và ASEAN quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia vào tháng 11/2022. Trong quan hệ quốc tế, ASEAN chủ trương không chọn phe và không liên kết thiên về quân sự, thay vào đó chú trọng hợp tác kinh tế và các vấn đề khác thuộc về phát triển.
Nhận thức mới này của phía Mỹ được coi là bước hướng tới xây dựng “lòng tin chiến lược” phù hợp hơn với những nước như Việt Nam, vốn có những chủ trương tương tự chính sách đối ngoại của ASEAN về không liên kết quân sự và tập trung cho phát triển.
Bước tiến này trong quan hệ ASEAN – Mỹ thực chất là bước đệm để Mỹ phát tín hiệu rằng Washington thật sự thay đổi nhận thức, từ đó bắt đầu thúc đẩy quan hệ với từng nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đến một tầm cao mới.
Mỹ cũng gửi thông điệp họ muốn xây dựng mối quan hệ ở cấp độ cao hơn không nhằm phục vụ mục tiêu thiết lập đồng minh để chống lại bên thứ ba hay nhằm đảm bảo an ninh từ xa cho Washington, thay vào đó thật sự xem bên còn lại là đối tác phát triển và có quan hệ bình đẳng.
Bởi vậy, ông Tiến cho rằng cột mốc nâng cấp quan hệ ASEAN – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2022 mang ý nghĩa rất quan trọng đến triển vọng quan hệ Việt – Mỹ.
Hai nước thời gian qua đã nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế đối thoại ở các cấp và trên nhiều lĩnh vực để xây dựng lòng tin giữa hai nước, từ “giai đoạn hàn gắn” sau năm 1995 và “giai đoạn kiến tạo” sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.
Trải qua “giai đoạn kiến tạo”, nhận thức của Washington về yếu tố “chiến lược” cũng trở nên phù hợp hơn với đường lối của Việt Nam về đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia – dân tộc.
Hai bên đã có rất nhiều chia sẻ thường xuyên và thể chế hóa về quan điểm, lập trường, lợi ích chung đan xen hỗ trợ nhau, đặc biệt trong giai đoạn kiến tạo, qua đó giảm bớt bất đồng và khác biệt.
PGS. TS Trần Nam Tiến cho hay khái niệm Đối tác Chiến lược Toàn diện mà Việt Nam và Mỹ vừa xác lập là bước phát triển cao hơn của Đối tác Chiến lược. Với cấp độ này, mối quan hệ hai nước trước hết phải đáp ứng những điều kiện đã đặt ra trong cấp độ Đối tác Chiến lược về hài hòa giữa thịnh vượng, vị thế quốc tế với an ninh.
Điểm khác biệt là ngoài “tính toàn diện” trong hợp tác, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, phủ sóng gần như không có “vùng cấm”, hai nước khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã thiết lập được yếu tố “lòng tin chiến lược” với nhau.
Cấp độ quan hệ này không chệch khỏi tư duy đối ngoại được xác lập xuyên suốt trong hơn ba thập kỷ của Việt Nam về độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Trong cuộc hội đàm hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ là “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Mỹ là ủng hộ Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh một số phương hướng lớn để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, trong đó có tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao, giữa các ngành, các cấp, giao lưu nhân dân.
Tổng thống Biden ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác kinh tế và khoa học – công nghệ trong giai đoạn mới như phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch. Theo Tổng thống Mỹ, việc Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.
Nhà Trắng cũng thông báo sẽ cùng Việt Nam tăng cường hợp tác trong 8 lĩnh vực lớn, trong đó các vấn đề như kinh tế đổi mới, khoa học – công nghệ, thương mại, đầu tư sẽ là động lực cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.
Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh, Mỹ dự kiến công bố các chương trình và gói viện trợ thiết bị mới, giúp nâng cao năng lực của Việt Nam để chống tội phạm xuyên quốc gia. Mỹ cũng sẽ thúc đẩy hợp tác y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh và quan hệ giữa doanh nghiệp hai nước.
Theo PGS. TS Trần Nam Tiến, việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ là một bước tiến rất quan trọng, đánh dấu Việt Nam đã xác lập cấp độ quan hệ này với 4 nước lớn hiện nay trên thế giới, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Mỹ.
“Mối quan hệ chiến lược với cả 4 nước lớn sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội rất lớn về phát triển, quảng bá ảnh hưởng và đa dạng hóa hợp tác”, ông nói. “Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ cùng những cơ chế đối thoại, hợp tác sẽ đảm bảo cho Việt Nam giữ cân bằng hiệu quả hơn nữa trong quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay”.
PGS. TS Trần Nam Tiến là chuyên gia về lịch sử đối ngoại Việt Nam tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM.
Ông từng có nhiều bài viết công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, đồng thời là chủ biên, đồng tác giả của nhiều cuốn sách chuyên ngành về lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Ông cũng là thành viên đề tài nghiên cứu cấp quốc gia Cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2025 và chính sách của Việt Nam, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, được nghiệm thu vào năm 2019.
Thanh Danh
Để lại một phản hồi